Trả lời báo chí Nhật Bản trước chuyến thăm chính thức nước này từ ngày 22/11 đến 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất bất chấp những thách thức từ Covid-19, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.
Để khai thác hiệu quả truyền thống hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng đề xuất thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên 6 lĩnh vực. Đầu tiên là tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch, trước hết là thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA từ Nhật Bản.
Lĩnh vực thứ hai được Thủ tướng nêu ra là hợp tác y tế, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine Covid-19, hay tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến cuối. Tiếp đó là đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu văn hóa.
Ba lĩnh vực còn lại bao gồm hợp tác về văn hóa - du lịch, quốc phòng - an ninh, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vinh dự khi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời thăm chính thức.
Tiếp cựu Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai bên đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Thủ tướng cũng dự lễ xuất hành quýt Unshu, đặc sản mà ông Suga từng cam kết thúc đẩy xuất sang Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Thủ tướng Kishida, hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, chứng kiến ký kết văn kiện hợp tác của các doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Nhật Bản gần đây là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Nước này đang xem xét cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, được phép ở lại vô thời hạn và mang theo người thân từ năm 2022.
Ánh Ngọc