Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong chuyến khảo sát, làm việc với các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Bạc Liêu, ngày 4/12.
Thủ tướng nói Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời. Đây là nguồn năng lượng sạch, không phải mua. Những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng "đua nhau làm" điện tái tạo, ảnh hưởng cân đối cung cầu. Có tình trạng mua điện gió, mặt trời với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện, giá thấp.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trước đây khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời có thể phù hợp để khuyến khích đầu tư. Nhưng hiện nay, giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và các nguồn điện khác. Trong khi công nghệ điện tiến bộ rất nhanh, đến nay chi phí sản xuất đã giảm nhiều. Các doanh nghiệp cũng không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện mà việc này được Nhà nước thực hiện với kinh phí rất lớn.
"Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi lớn, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao", Thủ tướng nói và yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả...
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo...
"Phải tất cả cùng thắng hoặc hòa. Nếu Nhà nước, người dân có lợi mà nhà đầu tư chịu thiệt thì không ai làm. Nếu nhà đầu tư có lãi, Nhà nước bù lỗ, người dân chịu giá cao thì không tồn tại được", người đứng đầu Chính phủ nói. Ông nhấn mạnh quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định nhất, nhưng cái gì không hợp lý phải điều chỉnh, vì lợi ích quốc gia.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện sớm bổ sung quy hoạch điện gió của địa phương giai đoạn đến năm 2025 với tổng công suất 2.000 MW (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi).
Tỉnh Bạc Liêu cũng đề xuất Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500 kV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt (Cần Thơ). Đồng thời, tỉnh mong muốn đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục các dự án đầu tư được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII. Trường hợp khó khăn, Trung ương cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng và thu hồi vốn theo quy định...
Hiện theo Quyết định 39, giá ưu đãi cố định (FIT) cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Nhờ giá FIT, các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển rất nhanh với công suất tăng nhiều lần so với quy hoạch đề ra.
Cửu Long