Khi nhậm chức cuối năm 2019, Hassan Diab hứa hẹn về một phong cách quản trị mới, về một chính phủ gồm các nhà kỹ trị, tức các chuyên gia được lựa chọn vào ghế lãnh đạo bộ ngành vì chuyên môn thay vì quan hệ chính trị. Ông phải gánh vác nhiệm vụ là cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ cuộc nội chiến 1975-1990.
Diab, 61 tuổi, giáo sư tại Đại học Mỹ ở Beirut (AUB) và là cựu bộ trưởng giáo dục, từng mô tả mình là "một trong những bộ trưởng kỹ trị hiếm hoi" kể từ khi Lebanon giành độc lập vào những năm 1940.
Nhưng dư luận ngày càng bất mãn khi Covid-19 làm tồi tệ thêm tình trạng suy thoái kinh tế và chính phủ của Diab, bên đang đứng trên núi nợ, cũng thất bại trong các cuộc đàm phán xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Khi đất nước đang chìm trong khó khăn, thảm họa thời bình tồi tệ nhất ở Lebanon xảy ra hôm 4/8. Vụ nổ hơn 2.700 tấn amoni nitrat được lưu trữ trong nhà kho ở cảng Beirut 6 năm càng khiến người Lebanon thêm mất lòng tin vào các lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng Diab. Ngày 10/8, sau nhiều ngày Lebanon tê liệt vì biểu tình trên đường phố, Thủ tướng cùng toàn bộ nội các từ chức.
Ông Diab lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật máy tính tại Đại học Bath của Anh năm 1985. Ông gia nhập AUB với tư cách giáo sư phụ trợ năm 26 tuổi và sau đó trở thành phó hiệu trưởng của trường đại học danh tiếng này. Ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục Lebanon nhiệm kỳ 2011-2014.
Diab rất ủng hộ cải cách giáo dục. Ông từng nói rằng "giải pháp cho hầu hết các thách thức kinh tế, xã hội và tài chính, cũng như những thách thức liên quan đến thất nghiệp, nằm ở giáo dục".
Diab trở thành Thủ tướng vào tháng 12/2019, hai tháng sau khi Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức vì phong trào phản đối lớn chưa từng có từ cả hai dòng Hồi giáo ở Lebanon. Khi đó, Diab vẫn là cái tên ít được công chúng biết đến.
Diab ca ngợi phong trào biểu tình là "lịch sử", viết trên mạng xã hội rằng người dân Lebanon đã "đoàn kết để bảo vệ quyền có một cuộc sống tự do và đàng hoàng".
Mặc dù là người thuộc dòng Hồi giáo Sunni, Diab nhận được hậu thuẫn từ nhóm Hezbollah và đảng Phong trào Amal thuộc dòng Shiite cùng với Phong trào Yêu nước Tự do của Tổng thống Michel Aoun, người theo đạo Thiên chúa.
Tuy nhiên, các khối chính trị thuộc dòng Sunni và các đồng minh Thiên chúa giáo của họ không hậu thuẫn Diab, làm phức tạp thêm nhiệm vụ của một lãnh đạo không phải là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào hoặc ủng hộ nhóm cụ thể nào.
Kể từ đó, Hariri phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chồng chất cũng như những lời chỉ trích ngày càng tăng từ công chúng. Nhiều người Lebanon chế nhạo các bài phát biểu khoa trương của ông, khi ông thường xuyên tự nhận mình là nạn nhân của các âm mưu, giống như cách họ đã cười nhạo một cuốn sách ông đã xuất bản khi còn là bộ trưởng giáo dục, trong đó ông khoe thành tích của mình.
Sau khi Diab trở thành Thủ tướng, căng thẳng bùng lên giữa ông và ban quản lý AUB. Ông khởi kiện trường đại học để đòi bồi thường bằng ngoại tệ. Động thái này bị chỉ trích là thiếu nhạy cảm vào thời điểm công dân Lebanon không được sử dụng tài khoản ngoại tệ do khủng hoảng kinh tế.
Trong vài tháng qua, ông hứng chịu ngày càng nhiều chỉ trích từ phong trào biểu tình mà ông từng ca ngợi là "lịch sử và ấn tượng".
Vụ nổ hôm 5/8 được đánh giá là "giọt nước tràn ly", thúc đẩy người dân Lebanon lại xuống đường biểu tình và đánh giá rằng chính phủ của Diab, cũng giống như những chính phủ tiền nhiệm, lại khiến họ thất vọng.
Phương Vũ (Theo AFP)