Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ hôm nay về cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ngày 22/4, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan này sớm trình phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Thủ tướng lưu ý phương án cơ cấu lại các nhà băng yếu, SCB phải "đúng thẩm quyền, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản Nhà nước, trục lợi chính sách". Việc tái cơ cấu này sẽ góp phần lành mạnh hoá và hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất.
Tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Cũng theo thông báo kết luận, Thủ tướng yêu cầu mở rộng đối tượng và thời gian thực hiện cơ cấu nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo đó, đối tượng được giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ sẽ gồm cả cho vay tiêu dùng, và thời hạn cơ cấu nợ kéo dài tới tháng 6/2024.
Trước đó, theo dự thảo thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về việc lùi hạn trả nợ, giãn và không bị chuyển nhóm nợ là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với thời hạn tối đa 12 tháng. Việc cơ cấu nợ chỉ được thực hiện đến hết 31/12/2023.
Về sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021, lãnh đạo Chính phủ đồng ý cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục được mua trái phiếu doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong tình hình hiện nay. Thông tư này cần được ban hành hôm nay (23/4).
Liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý điều hành chắc chắn, chủ động cùng với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách này cần tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá, đặc biệt ưu tiên cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ sớm sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp và chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất cho vay để tăng tiếp cận vốn, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiện toàn ngay bộ máy tổ chức và nhân sự lãnh đạo cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại (thuộc chương trình phục hồi kinh tế) đến nay giải ngân được chưa đến 1%, Chính phủ yêu cầu điều chỉnh vốn sang chương trình khác để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.