Đề xuất với Thủ tướng tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho ngành, Hiệp hội Mía đường Việt Nam muốn tiếp tục gia hạn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), như là một điều kiện để ngành mía đường trong nước cạnh tranh với sản phẩm từ khu vực và không bị mất thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng ý bởi việc này như một trong những biện pháp "bảo hộ" cho ngành. Theo ông cần phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập, chứ "nhà nước không bao cấp". Ông cũng nói thêm, sẽ là sai lầm nếu nhu cầu đường lớn mà Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài. Do đó, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường phù hợp.
Thực tế, hiệp định này có hiệu lực từ 2018 đưa thuế nhập khẩu sản phẩm mía đường khu vực ASEAN vào Việt Nam 0-5%. Nhưng sau đó, theo đề nghị của ngành mía đường, nó đã được lùi hiệu lực đến 1/1/2020.
Chính phủ đảm bảo môi trường công bằng, nhưng ngành phải tự đào thải nếu năng lực cạnh tranh yếu kém hơn các đồng nghiệp sản xuất mía đường trong ASEAN.
Để đảm bảo ngành này cạnh tranh trong hội nhập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung.
Ban Chỉ đạo 389 được chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân và cho vay vốn ưu đãi để trồng mía, chế biến đường.
Quan trọng hơn, Thủ tướng nhấn mạnh, các công ty sản xuất mía đường phải tổ chức sắp xếp lại, dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ làm mỗi sản phẩm đường mà không có sản phẩm sau đường (ván ép, phân bón, rỉ mật...) phong phú, phù hợp với thị trường. "Ngành mía đường phải tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng", ông nhấn mạnh.
Anh Minh