Trên cánh đồng mía ở thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nhiều ruộng mía đã héo khô vì quá kỳ thu hoạch. Trên bờ ruộng, nhiều bó mía đã đốn nằm chỏng chơ vì không có người mua.
Ôm bó mía đã bị đốt cháy dưới ruộng lên bờ, ông Nguyễn Tấn Thành (63 tuổi) buồn rầu nói: "Gia đình tôi trồng ba sào, chi phí 5 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Những năm trước lời được chục triệu đồng nhưng năm nay bán không ai mua, cho không ai lấy". Ông Thành đành đốt một sào mía chuyển qua tỉa bắp để kịp thời vụ.
Gần nhà ông Thành, bà Nguyễn Thị Xuân Việt cũng không khá hơn. "Tôi trồng 5 sào mía rồi cho không thương lái, còn phải bù thêm công thu hoạch để có đất trống cho vụ mới", bà nói.
Ông Nguyễn Chánh, một thương lái có thâm niên hàng chục năm phân tích, năm ngoái giá mía khoảng 1,1 triệu đồng mỗi tấn, năm nay giá chỉ còn một nửa nên các thương lái cũng không mặn mà. "Nhiều người gọi nhưng tôi đều từ chối vì tiền thuê nhân công và vận chuyển đến nhà máy còn hơn tiền bán mía", ông nói.
Không chỉ nông dân tự đầu tư trồng mía lâm vào cảnh khốn khổ, hàng trăm hộ dân ở những vùng nguyên liệu được Nhà máy Đường Phổ Phong (thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) đầu tư và cam kết thu mua ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ.... đều phải dài cổ chờ mua.
Theo Sở Nông nghiệp Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 2.350 ha mía. Trong đó, Nhà máy Đường Phổ Phong đầu tư 2.050 ha, diện tích còn lại do người dân tự đầu tư. Nhà máy này cũng là đơn vị duy nhất thu mua mía trong toàn tỉnh, với giá 590.000-770.000 đồng một tấn.
Việc nhà máy thu mua chậm cả tháng so với thời vụ khiến mía chín đồng loạt, chữ đường xuống thấp, nông dân chịu lỗ, không thể đầu tư vụ tiếp theo. Đến nay nhà máy mới mua 390 tấn, chỉ bằng 16% diện tích mía toàn tỉnh và 19% diện tích do chính nhà máy đầu tư.
Trước thực trạng trên, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở Nông nghiệp kiến nghị nhà máy cần chủ động lên kế hoạch thu mua mía nhanh, hạn chế tối đa thời gian thu hoạch kéo dài - làm giảm năm suất, trữ đường.
Ông Trần Ngọc Phương - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi giải thích, từ khi Việt Nam gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), không còn hạn ngạch về nhập khẩu nên ngành mía đường trong nước phải chịu sự cạnh tranh lớn, giá đường giảm hiện chỉ còn 10.600 đồng một kg.
"Nếu theo khuyến khích của Hiệp hội mía đường và Bộ Nông nghiệp, nhà máy có thể mua mía bằng 60-70% giá đường, nhưng chúng tôi vẫn mua với giá cao hơn là 770.000 đồng một tấn để chia sẻ với người nông dân", ông Phương nói.
Đại diện doanh nghiệp trần tình, nhà máy chưa hoạt động hết công suất và không có lý do gì để không thu mua của nông dân. Song khó khăn hiện nay là thiếu nhân công lao động, không có xe vận chuyển do nhiều xe chuyển sang vận chuyển cây keo để có thu nhập cao hơn. Hiện nhà máy đã thuê thêm xe ở Bình Định và sắp tới sẽ tăng cường thêm xe ở Quảng Nam.
Để giảm thiệt hại cho nông dân, ông Nguyễn Tăng Bính - Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi đã chỉ đạo Công ty Đường đẩy mạnh công suất nhà máy đường lên 2.000 tấn mía mỗi ngày. "Chỗ nào chín trước thu hoạch trước, nếu cần thiết, tổ chức lực lượng thanh niên, quân sự hỗ trợ người dân thu hoạch", Phó chủ tịch chỉ đạo.
Ông Bính nhấn mạnh, công ty phải có cách để kích thích các xe vận chuyển, thay vì không bố trí được xe mà không thu mua mía đã cam kết. Với diện tích mía người dân tự trồng, Phó chủ tịch chỉ đạo nhà máy thu mua để tránh tâm lý bất ổn cho người dân. "Về lâu dài, nhà máy phải giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng, đồng thời sẵn sàng thích nghi để cạnh tranh trong cơ chế thị trường", ông Bính nói.