Chiều 22/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Quy mô phái đoàn được xem là lớn nhất từ trước đến nay với 52 tập đoàn lớn, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như công ty hàng không vũ trụ Boeing, tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, tập đoàn công nghệ SpaceX, Boeing, Netflix, Apple. Năm ngoái, số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam theo chương trình này là hơn 30.
Nói với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu và sẽ đồng hành giải quyết khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Nhìn chung, ông đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của Mỹ.
Với lĩnh vực hàng không, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án sân bay Long Thành và tham gia trong vai trò là nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.
Sân bay Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia của Việt Nam, mở ra cơ hội cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không. Với tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, dự án dự kiến về đích năm 2025. Tuy nhiên, việc tìm nhà thầu triển khai gói thầu xây nhà ga hành khách tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 đang gặp khó khăn khi không có hồ sơ đáp ứng yêu cầu.
Về lĩnh vực năng lượng - nội dung được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm thời gian qua, Thủ tướng nói Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn cung quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc nhiệt điện than.
Bên cạnh đó, để huy động tài chính triển khai các quy hoạch và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng 10 năm tới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, định chế tài chính Mỹ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn tài chính quốc tế.
Ông cũng đề nghị USABC phối hợp, giúp Việt Nam có thể tiếp cận và thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia của Mỹ theo hướng thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao; tạo điều kiện để các tập đoàn xây dựng những trung tâm R&D; Tăng cường hợp tác, mua sắm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
"Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Mỹ nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ", Thủ tướng nói. Theo đó, các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển hợp tác với Việt Nam theo hướng này và thúc đẩy phía Mỹ có chính sách phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thương mại và đầu tư giữa hai bên một cách thỏa đáng.
Các doanh nghiệp Mỹ đã đề xuất nhiều ý tưởng, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, du lịch, ôtô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, ngân hàng. Doanh nghiệp đồng thời nêu các kiến nghị nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước càng gắn kết, thực chất và thành công hơn nữa.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm có ý kiến trả lời cụ thể các doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án thành công.
Cũng tại cuộc gặp, Chủ tịch USABC Ted Osius nói các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Còn Đại sứ Mỹ Marc Knapper nói, quy mô của doanh nghiệp khẳng định cam kết của Chính phủ và khu vực tư nhân Mỹ trong việc ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì sự thịnh vượng của hai quốc gia.
Chia sẻ về tình hình nội tại của Việt Nam, Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất sau khi xử lý mạnh tay các sai phạm trên thị trường bất động sản, trái phiếu, ngân hàng. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Việt Nam cũng xây dựng chính sách cho các lĩnh vực mới nổi, tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có trách nhiệm các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, kim ngạch song phương đạt mức kỷ lục hơn 123 tỷ USD (tăng 11% so với 2021). Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 11 trên 142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Còn Mỹ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư.
Đức Minh