Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, sáng 18/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển.
"Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng hai concert vừa rồi? Tại sao bóng đá nữ, bóng chuyền nữ đạt thành tựu như vậy? Tại sao du lịch có những điểm đến hấp dẫn như thế?", Thủ tướng nêu vấn đề.
Hai concert được đề cập là Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi gây sốt thời gian qua. Đêm diễn Anh trai say hi ngày 7 và 9/12 tại sân vận động Mỹ Đình có số lượng khán giả được cho không thua kém hai show của nhóm nhạc Hàn Blackpink năm ngoái, tại cùng địa điểm. Trước đó, các "anh trai" có hai show ở TP HCM, cũng thu hút hàng chục nghìn người mỗi đêm.
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra ở TP HCM hồi tháng 10 và Hưng Yên ngày 14/12. Ban tổ chức không công bố con số khán giả, nhưng ước tính lượng người xem ở Hưng Yên đông hơn ở TP HCM (khoảng 20.000 người).
Các concert được thực hiện sau thành công của chương trình truyền hình thực tế cùng tên. Anh trai vượt ngàn chông gai dành cho 33 gương mặt nam từ 30 tuổi, hoạt động trong showbiz. Thông qua các vòng, người chơi biểu diễn cá nhân và theo nhóm, 17 gương mặt được chấm điểm cao nhất hội tụ thành nhóm nhạc.
Anh trai say hi được sản xuất theo phong cách truyền hình thực tế, do MC Trấn Thành dẫn dắt. 30 ca sĩ nam luyện tập để hoàn thiện kỹ năng ca hát, trình diễn, vũ đạo, sáng tác, từ đó có cơ hội bước vào đội hình toàn năng. Show trình làng hơn 50 ca khúc mới, do JustaTee và 20 producer, nhạc sĩ sáng tác. 14 tập của chương trình đạt triệu lượt xem trên các nền tảng, với hàng loạt tiết mục đứng đầu xu hướng của YouTube, TikTok.
Tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng lưu ý cần tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho".
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý ngoài tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách là biện pháp huy động nguồn lực. Do đó, ngành văn hóa cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư, "dư địa còn rất lớn để khai thác các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các sân vận động như Mỹ Đình".
"Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, nguồn lực doanh nghiệp", Thủ tướng nói và lưu ý lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành văn hóa cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2024 thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao, giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.