Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tối 13/11, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng Việt Nam nằm trong mạng lưới giao thương, cung ứng nguyên liệu dồi dào của châu Á, với sức đề kháng ấn tượng của nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh. Ông đánh giá đây là điểm đến rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp của Đức và châu Âu.
Thủ tướng Đức phân tích, kinh tế thế giới chỉ thành công khi các nước tận dụng được tất cả khả năng và tiềm năng sẵn có. Điều này đúng với Việt Nam, một đất nước có nguồn nguyên vật liệu dồi dào, lao động có trình độ. Ông rất vui khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam có hiệu lực và khẳng định đây là cơ sở để kinh tế hai nước cùng phục hồi, phát triển, tạo sự tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác kinh tế.
Ông Olaf Scholz cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Đức muốn tìm đối tác hợp tác về kinh tế, hạ tầng cơ sở, năng lượng... Trong lĩnh vực đào tạo, nhiều chương trình dạy nghề ở Việt Nam đang được triển khai theo mô hình của Đức, đồng thời nhận được sự giúp đỡ của doanh nghiệp Đức.
Ở khía cạnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dư địa hợp tác kinh tế giữa hai nước rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi.
Trong bối cảnh kinh tế một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với nền tảng chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh, nhân lực dồi dào, môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Chính phủ Việt Nam cam kết chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn và rủi ro", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Ông tin hợp tác đầu tư thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Đức, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030. Do đó, Việt Nam mong muốn nước này hỗ trợ hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp cận, huy động các nguồn tài chính xanh, đặc biệt của các nước G7 và các thể chế tài chính quốc tế. Việc này nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu vào thực hiện cam kết tại COP26.
Đức hiện có 437 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn FDI đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010; là nhà đầu tư lớn thứ 18 trên 141 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đức đã cung cấp ODA hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam. Các dự án đầu tư của nước này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%).
Thủ tướng Scholz đến Hà Nội hôm nay, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 13-14/11 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Scholz tại Phủ Chủ tịch. Hai lãnh đạo tiến hành hội đàm tại trụ sở chính phủ sau lễ đón.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ sáu ở châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương 7 tháng đầu năm nay đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.