Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 17/11 dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil ở thành phố Rio de Janeiro.
Ông nhận định quan hệ kinh tế còn chưa tương xứng không gian, điều kiện hợp tác và mong muốn của hai nước. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Brazil và doanh nghiệp Brazil sang đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy thương mại song phương, nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tính lan tỏa và kết nối với doanh nghiệp trong nước. Trong đó, Việt Nam ưu tiên dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), điện tái tạo, trung tâm tài chính...
Để hợp tác kinh tế xứng tầm, Thủ tướng cho rằng hai nước cần thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, thị thực. Đồng thời, ông đề nghị Brazil xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thủ tướng mong hai nền kinh tế, các doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động.
Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Quan hệ thương mại song phương Việt Nam và Brazil đạt hơn 7,1 tỷ USD năm ngoái.10 tháng đầu năm nay, con số này đạt 6,58 tỷ USD. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.
Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập nhiều đậu tương, ngô, thức ăn gia súc và bông các loại từ Brazil.
Về đầu tư, lũy kế đến tháng 10, Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, khoa học công nghệ. Hiện có hai dự án đầu tư Việt Nam tại đất nước Nam Mỹ này, với tổng vốn đăng ký 700.000 USD.
Ngọc Ánh