Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 26/9.
Năm nay vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị là trên 526.105 tỷ đồng, trong đó hơn 42% vốn trung ương, còn lại là ngân sách địa phương. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn năm nay gần 542.106 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9, khối lượng giải ngân đạt 46,7%, tương đương hơn 253.148 tỷ đồng. Xét về số tuyệt đối, giải ngân đến cuối tháng 9 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 16%, trên 34.597 tỷ đồng.
Nhưng vẫn còn nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và khoảng 1/3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (46,7%). Trong số này, 14 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.
Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể.
Nhắc lại quan điểm nêu tại nhiều cuộc làm việc thúc đẩy vốn đầu tư công trước đây, ông nhấn mạnh, "nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân".
Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương... để có giải pháp, nhiệm vụ cụ thể những tháng cuối năm.
Nguyên nhân giải ngân vốn công chậm, theo nhận diện của Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương có 25 tồn tại, vướng mắc. Các vướng mắc này được "gom" thành 3 nhóm chính về chính sách (chủ yếu về đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, đấu thầu), tổ chức thực hiện và tính đặc thù của kế hoạch năm 2022...
Trong số này, ông Phương cho rằng, hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện tại các bộ, cơ quan và địa phương là nguyên nhân chính khiến giải ngân chưa kỳ vọng. Song theo phản ánh của một số tỉnh, thành, ngoài do khâu thực hiện ở địa phương chậm, họ gặp vướng khi nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần. Việc này khiến các địa phương lúng túng, không dám triển khai.
Cùng đó là những vướng mắc trong quy định sử dụng vốn nước ngoài; hay chuyện khan hiếm vật liệu, giá vật tư xây dựng tăng nên các nhà thầu chần chừ... cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn.
Đồng tình với các khó khăn ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công trên nhưng Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân cốt yếu là các đơn vị được giao vốn "thiếu sâu sát, kỷ luật không nghiêm; người đứng đầu nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm". Cùng đó, năng lực nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số nơi.
"Các cấp, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt khắc phục bằng được yếu kém này, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tất cả vì quốc gia, dân tộc, nhân dân", Thủ tướng đề nghị.
Ông yêu cầu các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới trong năm 2023... Việc này nhằm triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, không để chậm trễ.
Các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; kiểm soát chặt số dự án và thời gian bố trí vốn... để tránh dàn trải. Ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành... nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
"Phải tăng kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm", Thủ tướng nêu.
Trước đó, để thúc đẩy nhanh vốn công, Chính phủ, Thủ tướng đã có 10 Nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124 thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Thủ tướng đã thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.