Sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu cao; nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ; đồng USD tăng giá và nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023.
Ở trong nước, Việt Nam quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường (thị trường vốn, bất động sản) để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn. Quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chấn chỉnh các thị trường này "không làm không được", bởi cần xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Ông cho biết, Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để xử lý những vấn đề nội tại của tiền tệ, vốn, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các tổ công tác này do Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Loạt sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý, dẫn đến tâm lý lo lắng và đua nhau rút tiền của các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Hoạt động phát hành trái phiếu sau quý III giảm cả số đợt phát hành lẫn quy mô. Tháng 10 hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng và chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa.
Tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói doanh nghiệp khó thanh khoản phải bán tài sản để trả nợ trái phiếu chứ không để nhà đầu tư mất niềm tin.
Thủ tướng tại phiên họp hôm nay cũng đề cập tới thị trường xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ở một số địa phương; thiếu thuốc và trang thiết bị y tế chưa được xử lý dứt điểm. Chính phủ giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên xử lý vấn đề thiếu xăng dầu.
Theo Thủ tướng, thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11 nhiều khó khăn, thách thức nhưng với các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời Chính phủ đưa ra, tình hình đã được kiểm soát.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như cân đối thu chi. Đến nay, bội thu ngân sách khoảng 276.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; đối ngoại và hội nhập được tăng cường, mở rộng.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% so với tháng 10. So với tháng 12/2021, CPI tháng 11 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (3,02%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Cán cân thương mại 11 tháng ước xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ, mức cao nhất 11 tháng trong 5 năm qua.
Trong 11 tháng có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường nhưng cũng có 132.300 doanh nghiệp rút lui, tăng 24,3%.
Nhìn nhận tình hình tiếp tục khó khăn, nhất là những tác động từ bên ngoài với kinh tế trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm quản lý, điều hành để có giải pháp, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Ông lưu ý tiếp tục xử lý các vấn đề về thị trường vốn, thiếu xăng dầu, vật tư y tế... không để thiếu hụt và ổn định giá hàng hoá vào dịp Tết Nguyên đán, cuối năm.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhắc lại quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động; phối hợp chặt chẽ với tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; đồng thời tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
"Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, cơ quan nhà nước trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc", Thủ tướng lưu ý.
Ông giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư theo dõi sát tình hình để tham mưu về kinh tế vĩ mô và giải ngân đầu tư công; Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp; trong đó tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp; sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Xây dựng được giao rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Bộ Công Thương được yêu cầu khắc phục triệt để vấn đề xăng dầu và thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.