Đề nghị được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 6/3.
Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của miền Tây thời gian qua như góp hơn 31% GDP nông nghiệp cả nước, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Tuy có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước nhưng nông nghiệp miền Tây chưa phát triển nhanh, bền vững... Những năm qua, đầu tư công dành cho Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Nông nghiệp miền Tây phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn chặt với phát triển công nghiệp, dịch vụ...
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp miền Tây đạt 1,6%, chiếm hơn 32% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm hơn 31% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, miền Tây đang đối mặt những thách thức như nông nghiệp "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng". Nếu không giải được bài toán này, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long khó phát triển nhanh và nông sản luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tới năm 2025, tốc độ tăng GDP nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 3%/năm; tốc độ tăng giá trị chế biến nông, lâm, thủy sản trên 7%/năm. Về xã hội, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của vùng tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề đạt trên 30%...
Cửu Long