Sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) các nhà tiên phong lần thứ 15, tại Đại Liên (Trung Quốc). Sau đó, ông có bài phát biểu tại phiên toàn thể của hội nghị với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới".
Thủ tướng nói ông vinh dự khi lần thứ ba liên tiếp tham dự hội nghị của WEF. Sự kiện năm nay cho thấy tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm của WEF và vai trò quan trọng của Trung Quốc về tương lai phát triển của thế giới.
Theo Thủ tướng, thế giới đang chịu tác động bởi 3 yếu tố chủ đạo là sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa và AI. Thế giới cũng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số. Sự phân tách, phân cực cũng đang ảnh hưởng tới trật tự thế giới.
Cùng đó, thế giới đang chịu sự dẫn dắt của 3 lĩnh vực là phát triển kinh tế số; kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo (AI).
Những tác động và lĩnh vực dẫn dắt này, theo Thủ tướng, có ý nghĩa quan trọng để mở ra "chân trời tăng trưởng mới".
Theo Thủ tướng, kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Xu hướng "phân cực trong toàn cầu hóa" mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Vì thế, theo Thủ tướng, phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nước cũng cần đa dạng thị trường, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là giải pháp phù hợp với các quốc gia.
"Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân, nên để giải quyết cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Để hướng tới "những chân trời tăng trưởng mới", Thủ tướng đề xuất nhiều giải pháp như cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại. Các bên giải quyết các vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu, toàn dân dựa trên luật lệ, bảo đảm hài hòa lợi ích và không chính trị hóa, phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu. Ông cũng đề cao chủ nghĩa đa phương, trong đó người dân là chủ thể, nguồn lực và động lực phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF, các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt phát triển, tái cấu trúc kinh tế. WEF hỗ trợ các nước đang phát triển hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là giao thông, hạ tầng số và biến đổi khí hậu. Các đối tác cũng cần hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế xanh.
"Các định chế tài chính cần có chính sách ưu tiên cho tăng trưởng, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, cùng với thúc đẩy tự do hóa thương mại - đầu tư", Thủ tướng nói, thêm rằng điều này sẽ kích thích tổng cầu cầu trong ngắn hạn, tác động đến tổng cung trong trung và dài hạn.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị thực hiện "3 cùng", là cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn hành động và cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng để hướng đến những chân trời tăng trưởng mới.
Trong quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hai nước có ý nghĩa chiến lược. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu của nước này giai đoạn 2013-2021 là trên 38%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. "Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động tích cực cho thế giới hướng về những chân trời tăng trưởng mới", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong gần 40 năm hội nhập, tăng trưởng kinh tế. Ông nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là giữ ổn định chính trị, lấy con người là trung tâm, động lực, nguồn lực của sự phát triển và không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
"Việt Nam nhất quán 6 chính sách trọng tâm là đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chính sách quốc phòng '4 không' và xây dựng kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ, chủ động hội nhập", Thủ tướng nói.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho rằng Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam đóng góp tích cực cho Cộng đồng ASEAN vững mạnh, cùng Trung Quốc, WEF và các đối tác thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cũng như củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới. Ông đề xuất các nước tăng hợp tác và chia sẻ công nghệ trên tinh thần cùng thắng, thúc đẩy thị trường mở và phá bỏ các rào cản để hướng đến chân trời mới.
"Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng, kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ", ông nói.
Hội nghị WEF Đại Liên là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos, Thụy Sĩ. Sự kiện năm nay thu hút 1.600 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp, học giả từ nhiều lĩnh vực nhằm thảo luận, đề xuất giải pháp cho kinh tế thế giới.
Hoài Thu