-
- Thứ trưởng có thể cho biết tiến độ vaccine Covid-19 về Việt Nam thời gian tới? (Minh Hằng, 55 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: Vấn đề vaccine được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn dân quan tâm... Ngay từ tháng 3/2020 khi mới có ca bệnh đầu tiên, Chính phủ đã nghiên cứu, triển khai và nhập khẩu vaccine. Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên phân lập virus thành công. Đây là tiền đề quan trọng để nghiên cứu kít chẩn đoán và vaccine sau này.
Hiện có nhiều nguồn vaccine, qua chỉ đạo, Bộ Y tế đã bằng mọi nguồn mọi cách từ chính thống đến đại sứ tại nước ngoài, doanh nghiệp, mọi người dân... khi có giới thiệu, chúng tôi đều tiếp nhận để có nguồn cung vaccine lớn nhất cho Việt Nam. Bộ cũng tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế UNICEF, WHO, song phương đa phương để nhận sự hợp tác, hỗ trợ từ các nước phát triển, đặc biệt những nước phát triển họ đã có đầu tư nghiên cứu, phát triển từ đầu.
Hiện chúng ta có nguồn cung từ cơ chế Covax, dự kiến 38,9 triệu liều sẽ về Việt Nam trong năm 2021 đến đầu 2022. Thứ hai là nguồn ký giữa ba bên: Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vaccine và AstraZeneca với tổng số 30 triệu liều sẽ về Việt Nam trong năm 2021.
Chúng ta vừa ký với Pfizer 31 triệu liều, quý 3 sẽ về 3 triệu liều, quý 4 sẽ về 28 triệu liều. Trong năm nay, Nga cũng cung ứng cho Việt Nam khoảng 20 triệu liều. Bên cạnh đó chúng ta có nguồn vaccine viện trợ từ Nhật Bản (1 triệu liều), Trung Quốc (500.000 liều, dự kiến đón vào ngày 20/6).
Chúng ta cũng nghiên cứu để chủ động phát triển vaccine trong nước. Chắc chắn, trong năm 2022 chúng ta sẽ tự chủ nguồn vaccine.
Tổng lượng vaccine về Việt Nam đến cuối năm khoảng 120-150 triệu liều. Mỗi tháng trung bình về 10-30 triệu liều. Bài toán đặt ra là chúng ta làm sao triển khai tiêm an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế đang đề xuất chính phủ thành lập ban chỉ đạo tiêm chủng vaccine với đại diện Bộ, ban ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông với 6 tiểu ban. Gồm: vận chuyển, tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, giám sát, thông tin truyền thông, và văn phòng thường trực ban để vaccine nhận về sẽ chuyển nhanh chóng tới điểm tiêm để triển khai tiêm an toàn hiệu quả.
-
- Hôm 29/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ mở tất cả cửa để vaccine về Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện cụ thể như thế nào? Xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn đến người dân. (Lê Hoàng, 38 tuổi, Huế)
- Giáo sư Trần Văn Thuấn: Theo tôi, mở tất cả cửa để vaccine về Việt Nam ngay câu nói đó đã thể hiện hết ý nghĩa của nó rồi, là chúng ta tạo mọi điều kiện để các nguồn vaccine có thể về Việt Nam sớm nhất, những vướng mắc sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, những gì chưa rõ sẽ được hướng dẫn ngay. Để đảm bảo mục tiêu lớn nhất không để doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn vaccine ngay mà lại không mua về được. Chúng tôi cam kết với vaccine mà đã có giấy phép của WHO thì trong năm này sẽ cấp và vaccine đã được lưu hành tại nước sở tại chưa có giấy phép của WHO thì trong vòng 10 ngày, chúng tôi sẽ xem xét phê duyệt.
-
- Hiện các địa phương như TP HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu muốn chủ động mua vaccine thì các bước thực hiện như thế nào? Nút thắt hiện nay khiến các địa phương chưa thực hiện chủ động mua vaccine được là gì?
Ông Trần Văn Thuấn: Chúng tôi cho rằng cái khó nhất với các địa phương hiện tại là nguồn cung hạn chế, một số công ty lớn như Pfizer thì họ đàm phán với chính phủ, ít đàm phán với doanh nghiệp. Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các tỉnh có thể có vaccine. Đương nhiên Bộ Y tế vẫn kiểm định chất lượng.
Thành phố có thể tự chủ được mua vaccine. Với tổng lượng tầm 5 triệu liều vừa đàm phán, chúng tôi hy vọng lượng vaccine sẽ sớm được đưa về thành phố.
-
- Theo thông tin, TP HCM chiều nay nhận gần 1 triệu liều vaccine. Xin bà Dương Thị Hồng cho biết số vaccine này sẽ được phân bổ như thế nào?
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia:
Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại TP HCM, Bộ Y Tế đã yêu cầu ưu tiên vaccine AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ cho TP HCM. Việc này sẽ sớm được thực hiện. Vaccine này dùng cho đối tượng ưu tiên là ngành y tế, các tuyến đầu, thành viên trong tổ truy vết, đối tượng làm việc tại các khu công nghiệp. Với sự tham gia của đông đảo lực lượng y tế, sinh viên các trường đại hoc, tôi tin tưởng rằng tốc độ triển khai sẽ nhanh chóng, sẽ rất kịp thời tại TP HCM.
-
- Lượng vaccine vừa được đưa về TP HCM sẽ được tiêm cho người dân như thế nào, thưa bà. Chúng tôi có thể được tiêm khi nào, đăng ký ở đâu, và nhóm nào được tiêm trước?
- Phó giáo sư Dương Thị Hồng: Trước tình hình Covid-19 ở TP HCM hiện nay, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vaccine của AstraZeneca qua Việt Nam. Việc triển khai tiêm vaccine ở TP HCM sẽ sớm được triển khai. Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ nhân viên tuyến đầu, các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, đội ngũ công nhân trong khu công nghiệp. Việc triển khai tiêm vaccine sẽ có sự tham gia của lực lượng đông đảo đội ngũ y tế, sinh viên các trường đại học. Tôi tin rằng với sự chung tay của tất cả các lực lượng, việc triển khai vaccine sẽ sớm được thực hiện và thành công.
-
- Huỳnh Hữu Quỳnh Như, 45 tuổi, Lô C chung cư Idico, Tân Phú, TP HCM: Công ty tôi có 1.100 người (bao gồm người lao động và người thân của người lao động). Công ty đang rất cần chích vaccine Covid-19, chi phí có thể tự túc 100%. Vậy, công ty cần liên hệ với cơ quan nhà nước nào để đăng ký? Tôi có liên hệ lên Sở Y tế TP HCM và nhận được phản hồi đợi có văn bản hướng dẫn. Rất mong quý khách mời cho em lời giải đáp cụ thể?
GS Trần Văn Thuấn: Rất nhiều hình ảnh đẹp khi Thủ tướng có chủ trương thành lập Quỹ vaccine, rất nhiều người đã tiết kiệm tiền ăn sáng để ủng hộ Quỹ. Người dân đang thể hiện tinh thần chống dịch như chống giặc. Chúng ta ưu tiên cho 9 đối tượng. Thời gian tới vaccine sẽ về nhiều hơn. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhập vaccine về Việt Nam.
Gần đây chúng tôi có nhận được đề xuất của doanh nghiệp, ứng tiền để mua vaccine. Họ đề xuất để lại 70% phục vụ Nhà nước, Chính phủ, 30% phục vụ cho người dân; hoặc có doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ 80:20. Chúng tôi cho rằng đây là những đề xuất rất hợp lý.
-
- Chính phủ có chủ trương tiêm vaccine dịch vụ không? Người dân có được chọn vaccine mong muốn không?
- GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt được như chúng ta mong muốn. Thời gian tới chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng sẽ được nâng cao, chúng ta sẽ cân nhắc chủng ngừa vaccine dịch vụ vào một thời điểm phù hợp.
-
- Chính phủ có chủ trương tiêm vaccine dịch vụ không? Chúng tôi có được lựa chọn vaccine mà chúng tôi mong muốn hay không?
- GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại, nhu cầu về vaccine rất lớn và chúng ta hiện tại chủng ngừa với tỷ lệ khiêm tốn, chưa như mong muốn. Thời gian tới chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng sẽ nhanh chóng nâng cao, từng bước cân nhắc đề xuất chủng ngừa vaccine dịch vụ vào thời điểm phù hợp.
-
- Trần Mỹ Hạnh, 33 tuổi, Đồng Nai: Việt Nam cũng đang nhận chuyển giao công nghệ để tự chủ sản xuất vaccine. Xin hỏi Thứ trưởng việc này đang được thực hiện đến đâu với từng loại vaccine ạ? Tiến độ thử nghiệm, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước?
GS Trần Văn Thuấn: Chúng ta tự hào là một trong 4 nước đầu tiên dập dịch tốt, một trong 14 nước sản xuất thành công vaccine Covid-19. Cụ thể là các công ty Việt đang tiến hành thử nghiệm. Trong trường hợp khẩn cấp, khi chúng ta cần vaccine quá, Bộ Y tế sẽ trình bày Quốc hội, kịp thời có vaccine phục vụ cho người dân.
Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine Nha Trang vừa kết thúc pha một, tiến hành pha 2. Bên cạnh đó, công ty của Việt Nam cũng đang bàn với phía Nga để nhập vaccine. Chúng ta cũng đang đàm phán thêm với Cu Ba về vaccine.
Một tin rất mừng, một đơn vị lớn của Việt Nam đang đàm phán, chuyển giao mMRA, công nghệ sản xuất vaccine hiện đại nhất trên thế giới. Sắp tới, công ty này sẽ kết hợp với châu Âu, có thể tự chủ về vaccine sớm hơn. Từ đầu năm 2022, chúng ta có thể tự chủ được vaccine.
-
- Mới đây Bộ Y tế đã điều chỉnh về nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine. Xin được hỏi Thứ trưởng lý do điều chỉnh các đối tượng ưu tiên? Tôi không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên thì bao giờ được tiêm vaccine? (Ngọc Thành, 38 tuổi, TP HCM)
- PGS Dương Thị Hồng: Lý do điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế Covid-19 ở Việt Nam. Khi xây dựng đối tượng ưu tiên, chúng ta phải căn cứ vào tình hình chống dịch hiện tại và đến nay chúng ta có 8 đối tượng được ưu tiên.
Sắp tới đây, những công nhân ở khu công nghiệp cũng sẽ được ưu tiên tiêm, vì họ là nhóm người lao động tạo ra cơ sở vật chất ở khu công nghiệp. Nếu chúng ta không chủ động chống dịch ở khu công nghiệp, sẽ khiến Covid-19 lây lan nhanh. Chính vì vậy, chúng ta sẽ điều chỉnh đối tượng tiêm chủng trước.
Đồng thời, căn cứ vào nguồn cung vaccine còn hạn chế, nên chúng ta phải lựa chọn đối tượng, để có thể tiêm chủng trúng và đúng đối tượng, để nhanh chóng dập dịch, hướng đến 70% dân số có thể tiêm vaccine Covid-19.