Ngày 5/3, tài khoản Facebook Byron Román đã kêu gọi "những thiếu niên đang nhàm chán" tham gia vào một thử thách mới. Chụp ảnh nơi cần làm vệ sinh hoặc tôn tạo, chụp thêm một bức nữa sau khi bạn đã hành động, rồi đăng nó lên mạng xã hội.
Đi cùng thông điệp trên, Byron Román ghi lại bức ảnh mình hoàn thành thử thách. Khi chàng trai đến, nơi anh ngồi chứa đầy rác, đặc biệt là túi nilon. Sau đó, toàn bộ rác nhựa đã được dọn dẹp, bỏ gọn gàng trong những chiếc bao lớn. Hành động của anh lập tức "gây sốt" với 87 nghìn like và 290 nghìn chia sẻ.
Đáp lại lời kêu gọi trên, một số người đã tham gia "thử thách dọn rác" và biến nó thành trào lưu cho cả cộng đồng. Hashtag #ChallengeForChange (thách thức để thay đổi) được fanpage We Don't Deserve This Planet khởi xướng, đồng thời ghi nhận những kết quả mà mọi người làm được.
"Thay vì lao theo những trào lưu 'vô bổ', giới trẻ hãy làm những điều có ích hơn này", tài khoản Priya bình luận. "Còn nếu không, ít nhất hãy nhìn vào những gì mọi người đang hành động để bảo vệ trái đất, từ đó đừng xả rác bừa bãi, đó cũng là tốt lắm rồi".
Tại Việt Nam, một số fanpage chia sẻ lại hình ảnh từ cộng đồng quốc tế để kêu gọi mọi người trong nước tham gia, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. "Trong khi thế giới người ta hướng đến những thử thách văn minh thì trên YouTube Việt Nam, hàng chục video thử thách vô nghĩa", Facebook Đức Bình nhận xét.
Internet giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý để kết nối mọi người và cũng là nơi khởi phát các trào lưu mang giá trị cộng đồng. Có thể kể đến "Thử thách dội nước đá" - Ice Bucket Challenge năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về xơ cứng teo cơ một bên, giúp quyên góp được hơn 40 triệu USD.
Tuy nhiên, các trào lưu trên mạng xã hội cũng bị phê phán khi đi theo hướng tiêu cực. Thử thách cá voi xanh, thử thách ăn viên giặt tẩy hay các nhóm, hội anti-vaccine... để lại hậu quả xấu cho cả người tham gia cũng như xã hội.