Cuối tháng 2, Telegraph cho biết "Thử thách Momo" (Momo Challenge) bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite. Trào lưu kinh dị này được cho là có nguồn gốc từ Anh, trong đó một phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn cách tự làm hại bản thân.
Những hình ảnh đáng sợ của Momo khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi chúng được "ngụy trang" bên trong clip thiếu nhi và được cho là xuất hiện trên cả YouTube Kids - nền tảng YouTube tùy biến riêng cho trẻ em. Báo Independent của Anh còn cho biết, một số trường học tại nước này đã cảnh báo về trào lưu nguy hiểm, đồng thời khuyến cáo phụ huynh không nên để con em tự xem YouTube một mình.
Tuy nhiên, Trung tâm An toàn Internet Anh (SIC) cho rằng việc "Thử thách Momo" có thể là tin giả, tung ra nhằm gây hoang mang. Còn theo Guardian, có vẻ như một số tổ chức cũng như phụ huynh đã cường điệu hóa vấn đề, dù hình ảnh kinh dị của Momo có thể gây đau khổ và ám ảnh cho những đứa trẻ đã xem chúng.
Các chuyên gia cho rằng, Momo có thể là trò lừa bịp, một câu chuyện gây sốc tạo bởi kẻ xấu, trong đó lợi dụng hình ảnh đáng sợ để đánh vào tâm lý lo lắng đến sự an toàn của trẻ em trên mạng. Do đó, phụ huynh thay vì hoảng sợ, họ cần lo lắng về YouTube và YouTube Kids nhiều hơn, bởi đây mới là môi trường cần hạn chế con em mình tiếp xúc.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết không ít video trên cả YouTube lẫn YouTube Kids có nội dung "chỉ dẫn" tự tử lồng ghép vào các bộ phim hoạt hình "vô thưởng vô phạt" và đa phần không liên quan đến "Thử thách Momo". Trong tài liệu đăng trên pedimom.com của Free Hess, bác sỹ nhi khoa người Mỹ, đã một số dẫn chứng liên quan đến video có nội dung hướng dẫn tự làm hại bản thân trên YouTube Kids. Bà dẫn lại chia sẻ từ một phụ huynh khi người này phát hiện ở clip hoạt hình mà con trai nhỏ tuổi đang xem bất ngờ xuất hiện thanh niên "hướng dẫn rạch cổ tay đúng cách".
Những nội dung độc hại như vậy được cho "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm". Theo chuyên gia James Bridle, trên ứng dụng YouTube Kids, các đoạn phim dạng "Thử thách Momo" chèn vào Peppa Pig, chuột Mickey bị tra tấn dã man với cảnh bạo lực hay đoạn khiêu dâm trá hình gán ghép với nàng công chúa Disney tìm rất dễ.
Bên cạnh đó, video "rác" vẫn xuất hiện đều đặn trên YouTube lẫn YouTube Kids, như những bài hát rẻ tiền và vô nghĩa, hay câu chuyện nhảm có kèm hình ảnh Elsa, Spider-Man, Peppa Pig để gây chú ý... Chúng được thiết kế hoàn toàn để lấy lượt xem và kiếm tiền từ đó, thay vì mang tính giải trí hoặc giáo dục.
Theo The Verge, YouTube đã và đang nỗ lực loại bỏ hàng triệu sản phẩm có nội dung độc hại, vi phạm chính sách người dùng trong nhiều năm qua. Thế nhưng, "chính họ vẫn loay hoay với các thuật toán nhận diện, vốn không hề hoàn hảo", The Verge nhận định. Bê bối gần đây nhất liên quan đến một nhóm tội phạm ấu dâm thường xuyên đăng bình luận xấu, mang tính kích dục bên dưới clip cho trẻ em tồn tại trong thời gian dài đã cho thấy điều đó. Chỉ khi bị phát hiện và bị chỉ trích, mạng chia sẻ video này mới khóa tính năng bình luận trên kênh có nội dung vị thành niên.
Điểm mấu chốt của YouTube là quá phụ thuộc vào hệ thống gắn cờ để tìm và lọc nội dung không phù hợp. Điều đó có nghĩa là, thay vì phát hiện nội dung xấu ngay từ khi chưa xuất bản, những clip này phải được ai đó xem và dùng công cụ báo cáo. Theo một số chuyên gia, kiểm duyệt video trước khi có mặt trên nền tảng là cách duy nhất để giữ an toàn trước trò chơi khăm độc hại, nhưng YouTube chưa làm điều này hoặc hạn chế.
Ngoài ra, khả năng đề xuất video thiếu chọn lọc cũng dễ khiến trẻ tự tìm đến nội dung không lành mạnh. "Con trai 5 tuổi của tôi có niềm yêu thích đặc biệt sau khi nhìn thấy tàu hỏa. Tôi đã bật cho bé đoạn phim hoạt hình về cách hoạt động của nó. Sau vài phút rời đi và quay lại, tôi thấy bé đang vô tư xem một tai nạn tàu hỏa", Keza MacDonald, biên tập viên Guardian, kể lại.
Các chuyên gia đánh giá, phần lớn nội dung trên YouTube và YouTube Kids là lành mạnh. Nhưng nền tảng này cần phải có những bộ lọc tốt hơn nữa nhằm ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra, nhất là với trẻ em. Trong khi đó, giải pháp dễ dàng nhất đối với các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ có lẽ là loại bỏ YouTube khỏi mọi thứ, từ điện thoại, TV, máy chơi game, iPad... đồng thời hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ. Bên cạnh đó là giám sát kỹ con em của mình khi tham gia mạng xã hội và sử dụng Internet, hoặc sử dụng dịch vụ an toàn hơn, như Netflix hay kênh truyền hình dành cho thiếu nhi.
Bảo Lâm (theo The Guardian)