Anh Đoàn Phước Trường có bộ sưu tập những lá cờ đặc biệt như của Hội Chữ thập đỏ, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên Xô (cũ), Olympics, ASEAN, cờ Phật giáo, cờ của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO)... Nhiều bạn bè đến nhà anh đều thích thú khi được giải thích tường tận về ý nghĩa và lịch sử từng lá cờ. Anh tự chia sẻ về hành trình góp nhặt bộ sưu tập của mình.
Lá cờ đầu tiên trong bộ sưu tập cũng là lá cờ tôi luôn yêu quý nhất: cờ Liên Xô được cô giáo người Nga tặng khi tôi đại diện sinh viên trường Đại học Công nghệ Hóa tinh vi Lomonosov Moskva lên đường tham dự trại hè sinh viên quốc tế tại Ba Lan năm 1991. Sau đó vào ngày 25/12/1991, lá cờ Liên Xô được hạ xuống vĩnh viễn khỏi điện Kremlin. Từ đó Liên bang Xô Viết tan rã. Điều này đã tạo động lực cho tôi bắt đầu sưu tầm vì tôi luôn tin rằng mỗi lá cờ sẽ mang đến cho mình nhiều kỷ niệm gắn liền với những câu chuyện qua từng chuyến đi về sau. Tôi vẫn trân trọng gìn giữ lá cờ đầu tiên này cho đến nay.
Khoảng 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có cờ riêng nhưng không phải muốn sưu tầm là được. Tôi phải tìm nhiều cách mua trong những chuyến du lịch của mình hoặc nhờ bạn bè bên đó gửi về. Cách tiện lợi và đơn giản hơn là nhờ các hướng dẫn viên quen biết đang đưa đoàn đi du lịch mua giúp, vì cờ vừa nhẹ, vừa dễ mua và rẻ tiền. Trung bình một lá cờ có giá khoảng 1 euro (25.000 đồng).
Tôi may mắn được đặt chân đến London, thủ đô Vương quốc Anh, vào ngày 19/5/2018, ngày diễn ra đám cưới Hoàng gia giữa Hoàng tử Harry và Công nương Meghan tại lâu đài Windsor. Một người dân bên đường đã vui vẻ tặng tôi lá cờ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland khi thấy tôi diện trang phục ba màu xanh - trắng - đỏ giống như màu cờ nước họ.
Tôi cũng đã được đến Hungary, nơi có quốc kỳ thay đổi nhiều lần nhất. Quốc kỳ ba màu của nước này xuất hiện lần đầu vào năm 1848, và kể từ đó đến 1957 trải qua rất nhiều lần thay đổi với những biến thể của quốc huy ở giữa lá cờ. Từ năm 1957 đến nay, lá cờ quay lại như lần đầu chỉ với ba màu. Tuy nhiên khi in cờ lưu niệm người ta vẫn giữ lại hình ảnh quốc huy như ngày xưa.
Những chuyến du lịch nếu trùng vào các ngày 30/4, 2/9, Tết Nguyên Đán hay các ngày đang diễn ra các trận bóng đá khu vực có đội tuyển Việt Nam tham dự, tôi đều mang theo cờ hay mặc áo có hình quốc kỳ để giao lưu văn hóa, tặng cho bạn bè nước ngoài làm kỷ niệm. Tôi còn nhớ niềm hân hoan và hạnh phúc khi được các bạn người Jordan chúc mừng sau trận thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam tại vòng tứ kết Asian Cup 2019.
Một trong những lá cờ mang đến cho tôi nhiều cảm xúc chính là cờ nước Nga vì sau 23 năm tôi mới có dịp được quay lại thăm trường xưa, ngắm mùa thu vàng lãng mạn xứ sở bạch dương vào đúng ngày sinh của mình - 19/9/2018. Nhưng điều tiếc nuối là lúc đó tôi không thể tìm được lá cờ Nga do lịch trình di chuyển dày đặc. Mãi cho đến ngày 7/11/2021 vừa qua, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng 10, một người bạn mới gửi tặng lá cờ Nga để bàn. Đây cũng là lá cờ thứ 130 trong bộ sưu tập. Quốc kỳ Nga với 3 dải màu nằm ngang. Màu trắng tượng trưng cho sự thẳng thắn, màu xanh cho sự trung thành, còn màu đỏ là lòng dũng cảm. Vào ngày 22/8 ở Nga có một ngày lễ được gọi là Ngày Quốc kỳ.
Nhiều bạn người Việt thấy tôi đam mê nên tặng lại khá nhiều cờ khó tìm. Có nhiều lá cờ tôi vui khi được bạn bè nước sở tại tặng nên rất trân quý, như Peru, Argentina, Chile, Bolivia, Oman, Nigeria, Kenya, Qatar, Jordan, Ai Cập... Cá biệt, một người bạn Algeria đã cất công tìm cho tôi 20 lá cờ của các quốc gia châu Phi khó đi du lịch nhất như Ethiopia, Uganda, Angola, Zimbabwe, Somalia, Cameroon, Senegal, Tunisia, Mozambique...
Hai năm qua, tôi phải tranh thủ các thời điểm chưa có chỉ thị giãn cách xã hội để đặt mua qua các trang bán hàng trực tuyến quốc tế, giao hàng về Việt Nam với chi phí khá cao khoảng 100.000 đồng cho một lá cờ. Tôi vẫn cố gắng mua cho bằng được vì không biết khi nào mới có cơ hội được sang tận nơi, mua tận tay. Một phần vì rất khó xin visa nhập cảnh những quốc gia như Iran, Iraq, Triều Tiên, Pakistan, Afganistan, Ả Rập Xêút, Syria, Angola, Turkmenistan, Lybia và Sudan.
Lá cờ có ý nghĩa đặc biệt với mỗi quốc gia, là đặc trưng cho cả một dân tộc về lịch sử, địa lý, văn hóa cho nên đa số các quốc gia đều có chung 4 nguyên tắc cơ bản khi thiết kế quốc kỳ. Đầu tiên, quốc kỳ sử dụng các gam màu cơ bản để dễ nhuộm và có tính tượng trưng như màu xanh lam (bầu trời, đại dương), màu trắng (tuyết, mây, cát), màu xanh lá (rừng, đồng bằng, thảo nguyên), màu vàng (sa mạc, đồi núi, đồng lúa chín) hay các màu có tính cách như đỏ (chung thủy, trung thành), đen (mạnh mẽ, kiên cường).
Hiếm khi con dấu hay chữ viết xuất hiện trên quốc kỳ vì nhìn từ xa không thể đọc rõ. Các biểu tượng đặc trưng của mỗi quốc gia sẽ được đơn giản hóa tối đa như vị trí địa lý, tôn giáo, quốc huy, linh vật, cây hoa, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, chữ thập trên lá cờ để ngay cả trẻ em hay người nước ngoài cũng có thể hiểu được. Đặc biệt, quốc kỳ của mỗi nước là duy nhất.
Đoàn Phước Trường