Hơn nửa tháng qua, Hoàng Trung (Hà Nội) vẫn "ám ảnh" về tour leo núi 2 ngày 1 đêm ở Hòa Bình, không phải bởi hành trình quá vất vả, cảnh vật xấu hay dịch vụ kém, mà lý do đến từ một người lạ cùng đoàn.
Ngày đầu tiên trong hành trình, Trung thấy một tài khoản lạ kết bạn trên ứng dụng Zalo, thông qua nhóm trò chuyện của đoàn. Đồng ý kết bạn, Trung nhận tới tấp tin nhắn khen anh đẹp trai. Nghĩ chỉ là câu đùa vui xã giao, anh phản hồi cho phải phép.
Chiều cùng ngày, người này nhắn tin rủ Trung tìm phòng khách sạn khác để "ngủ cho thoải mái", thay vì 6 người chung một phòng theo tour. Trung từ chối, anh ta tiếp tục nhắn đến tối sẽ mời rượu, khoe rằng mình tập thể thao nên cơ thể rắn chắc và gửi kèm hình ảnh nhạy cảm. Đến tối, người đàn ông tới bàn mời uống rượu như đã hẹn và hết bữa thì rủ Trung đi chơi. Trung đã cố phớt lờ nhưng đến sáng hôm sau anh này vẫn tiếp tục gửi những tấm ảnh chụp trộm anh, nhắn tin tán tỉnh.
Ba ngày sau khi chuyến đi kết thúc, vẫn có tin nhắn quấy rầy nên Trung chặn tài khoản. Anh chia sẻ, bản thân không thấy thoải mái nhưng vì chuyện nhạy cảm nên không nói cho ai, hoặc tố cáo người này. Anh đã chụp lại tin nhắn làm bằng chứng để đề phòng.
Không đi tour như Trung, Dương Linh (TP HCM) gặp nguy hiểm khi một mình du lịch Cam Ranh (Khánh Hòa) năm 2016. Trước đó, qua hội nhóm du lịch, cô quen một người con trai cùng tuổi, nhà ở gần sân bay Cam Ranh. Biết Linh đến du lịch, anh này ngỏ ý sẽ đón cô tại sân bay và mời ngủ lại một đêm ở nhà với em gái anh. Vì thấy có nhiều người thân khác của anh bạn như bà, bố mẹ ở nhà nên Linh đồng ý. Ngày đầu tiên, người bạn này đón tiếp Linh rất chu đáo và nhiệt tình.
Thấy bạn có phần nữ tính, chân chất và ngoan ngoãn với người thân, Linh đồng ý cùng anh tới bãi Môn, Mũi Điện (Phú Yên) cắm trại qua đêm để đón bình minh. Buổi đêm khi ở trong lều, Linh vô tư nói bị lạnh nên người bạn vòng tay ra ôm. Hơi chột dạ nên Linh gạt tay ra thì bất chợt anh ôm chặt và sàm sỡ. Dù giật mình, Linh vẫn giữ bình tĩnh và cảnh cáo: "Tôi không thích, đừng đụng vào tôi, đừng để có chuyện không hay!". Thấy Linh xẵng giọng, người này xin lỗi và không dám làm gì khác. Tuy nhiên cả đêm Linh không dám ngủ, lấy áo khoác quấn chặt mình vì cô biết xung quanh không một bóng người, không thể kêu cứu hay bỏ đi.
Sáng hôm sau cả hai tỏ ra như chưa có chuyện gì xảy ra và trở về. Linh cho biết, đây là bài học nhớ đời khi đã quá chủ quan "trông mặt mà bắt hình dong" và vô tình đẩy mình vào tình huống nguy hiểm ở nơi vắng người.
Một mình đi bụi nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa, như Huyền Thương (Nghệ An) phải đối mặt trong chuyến đi Ấn Độ năm 2019. Khi từ Jaipur đến thành phố Amritsar, Thương được một người bạn Indonesia lớn tuổi giới thiệu đến ở nhà nghỉ của người quen. Cô đến đây vào 4h30 sáng, nhận phòng lúc 7h và không nhận ra nhà nghỉ rất vắng khách. Sau khi để hành lý tại phòng, cô ra ngoài tham quan và trở về vào 22h, được nam quản lý mời một cốc lassi (sữa chua hoa quả nghiền). Lúc này, Thương không thấy có bóng dáng một du khách nào khác ở nhà nghỉ nên có chút lo lắng. Tuy nhiên cô gái trẻ bỏ qua và về phòng nghỉ, tắm gội rồi ngủ.
Phòng của cô chỉ có khóa cửa thông thường và không có chốt trong. Tới khoảng 23h, cô giật mình khi thấy tiếng mở cửa phòng và người quản lý khi nãy mang theo một chiếc quạt vào trong. Anh ta ngụ ý rằng sẽ ngủ ở giường bên cạnh trong phòng cô. Dù hoang mang, Thương không lớn tiếng mà tỏ thái độ không hài lòng, yêu cầu anh ta ra khỏi phòng. Sau khoảng một phút, người này xuống dưới để lấy đồ, Thương ra kiểm tra chặn cửa và nhắn tin cầu cứu người bạn Indonesia phản ảnh với chủ nhà nghỉ về vấn đề này. Một lát sau, nam quản lý quay lại lấy chiếc quạt đi và đưa chìa khóa phòng gửi cô.
Thương sau đó có một đêm không ngon giấc, dù đã mang hết đồ đạc nặng để chặn cửa. Cô càng sợ hơn khi nhớ ra, trước đó đã vô tư dùng đồ uống người này pha mà không đề phòng thuốc mê. Sáng hôm sau, nữ du khách dậy sớm trả phòng và rời khỏi nhà nghỉ. Ngoài sự việc trên, Thương cho biết chuyến đi Ấn Độ rất thuận lợi, cô gặp nhiều người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ mình.
Thực tế, những bất trắc gặp phải trên đường du lịch đôi khi lại do chính các du khách vô tình tạo ra mà không hay biết. Từng phượt xuyên Mỹ một mình, Đinh Hằng - tác giả cuốn du ký Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ - chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cô áp dụng.
Đầu tiên, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi đến miền đất mới là "nhập gia tuỳ tục". Để không hành xử kỳ quái, hoặc vô tình xúc phạm đến văn hoá, tín ngưỡng địa phương, bạn tìm hiểu trước thông tin về điểm đến qua sách báo, phim ảnh, internet hay những người từng đi. Tại Trung Đông, việc nhìn và mỉm cười với một người đàn ông có thể được hiểu là lời tán tỉnh, gợi ý. Khi biết trước điều này, bạn sẽ không tùy tiện cười với bất cứ ai.
Thứ hai, du khách cần tự trang bị "vũ khí" như dao nhỏ, bình xịt hơi cay, hoặc tham gia một lớp võ tự vệ, giữ sức khoẻ tốt trên đường đi. Song "vũ khí" sắc sảo nhất chính là khả năng quan sát và niềm tin vào trực giác. Nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào không an toàn, hãy rời đi ngay lập tức hoặc tìm cách kết bạn và hoà vào một đám đông khách du lịch khác.
Thứ ba, bạn nên tránh ra ngoài một mình vào ban đêm, đặc biệt là những khu ít người lai vãng để bảo đảm an toàn bản thân. Để hạn chế tối đa sự chú ý từ người khác, bí quyết là ăn mặc thật giản dị, kín đáo.
Cuối cùng, hãy hét thật lớn nếu bị quấy nhiễu. Khi bị làm phiền, rất nhiều người chọn cách im lặng bỏ qua trong khi không nhất thiết tỏ ra quá lịch sự. Để giữ an toàn cho bản thân, bạn nên tạo ra một vòng tròn giới hạn với những người xung quanh. Bạn đừng ngại thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể hay thậm chí lớn tiếng nếu bị làm phiền một cách không mong muốn. "Tôi từng bị quấy rối một lần trên chuyến xe buýt đêm tại Myanmar. Để đối phó với người đàn ông này, tôi đẩy anh ta ra xa và la lên cho nhiều người cùng biết", Đinh Hằng kể lại.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Lan Hương
* Độc giả chia sẻ những trải nghiệm trên đường du lịch về địa chỉ dulich@vnexpress.net hoặc tại đây