Một ngày sau trận bão lũ, làng biển ven vịnh Xuân Đài, nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ. Các thuyền thúng chở đầy tôm chết, thoi thóp liên tục cập bờ để bán với giá rẻ. Khắp nơi, tôm hùm to bằng 2-3 ngón tay chết đổ thành đống ven đường nhưng không có người mua.
"Bình thường loại tôm xanh này có giá 850.000 đồng một kg, nhưng khi chết chỉ bán được khoảng 300.000 đồng, với điều kiện chúng còn ngo ngoe râu và càng", bà Hà Thị Lợi, 44 tuổi, phường Xuân Yên, mếu máo bên thúng tôm chết.
Gia đình bà Lợi đầu tư gần một tỷ đồng (vay ngân hàng 400 triệu đồng) để thả hơn 15.000 con tôm hùm trong 30 lồng trên vịnh, cách bờ khoảng 2 hải lý (3,6 km). Sau 8 tháng, mỗi con nặng 700-800 gram, dự kiến xuất bán Tết sắp tới.
Trước khi bão Etau vào, chồng bà cùng thợ lặn ra bè gia cố lại các lồng, nhận chìm xuống biển cho chắc chắn, rồi vào chằng chống nhà cửa. Tối 11/11, khi bão qua, mưa lớn kéo dài, nước lũ đổ xuống vịnh khiến gia đình bà lo lắng tôm sẽ bị sốc nước ngọt.
Sáng hôm sau, trời tạnh mưa, chồng bà lặn xuống lồng nuôi phát hiện nước lũ đổ xuống biển tạo nên lớp nước ngọt, tôm ngợp nước chết hơn 1.000 con. Số còn lại cũng đang ngoắc ngoải, chết dần.
Bà Lợi cho hay, sau bão số 5 (bão Matmo), hồi cuối tháng 10/2019, tôm nuôi trong các lồng của bà cũng bị lờ đờ, chết vài trăm con. Lần đó, họ chủ động kéo lồng ra khu vực nước đục, để giảm thiệt hại. Vợ chồng bà tiếp tục nuôi mong được có lãi, nhưng không ngờ trận lũ này tôm chết "quá khủng khiếp".
"Thiệt hại ban đầu đã hơn 500 triệu đồng. Giờ phải bán tháo mong gỡ được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Sắp tới không biết tiền đâu trả ngân hàng", bà nói.
Gia đình bà Lợi là một trong số hơn 3.000 hộ nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, với hơn 1.800 bè (gần 60.000 lồng). Theo thống kê ban đầu, hơn 1.520 lồng nuôi của 170 hộ có tôm bị chết, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thuận, 41 tuổi, ở phường Xuân Thành, buồn xo khi thợ lặn liên tục vớt tôm hùm chết đưa vào bờ. Gia đình ông có 100 lồng với 25.000 con nuôi được 5 tháng, đạt 100-200 gram. Hai hôm nay, gần 10.000 con đã chết, ông lỗ vài trăm triệu đồng. "Tôi đầu tư cả tỷ đồng, chưa tính tiền thức ăn, nhân công và lãi ngân hàng", ông nói.
Theo ông Thuận, những năm trước khi có bão, ông chằng chống, nhận lồng nuôi xuống, hoặc tranh thủ xuất bán trước khi có bão, nên không thiệt hại nhiều. Năm nay, dù đã gia cố kỹ, ông không ngờ lũ ập đến.
Cách đó chừng một km, ôm đứa con trai 10 tháng tuổi nhìn về hướng biển, chị Trần Thị Được, 38 tuổi, nói không biết sắp tới sống thế nào. Chị cho biết, năm 2017, gia đình được em ruột cho mượn 800 triệu đồng, để khởi nghiệp nuôi tôm hùm. Lần ấy, thời tiết thuận lợi, tôm phát triển đều, khỏe mạnh nên họ có lãi. Hai vợ chồng mang 300 triệu trả nợ, số còn lại tiếp tục đầu tư.
Ba tháng trước, họ vay ngân hàng 600 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 5 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm từ các vụ trước để xuống 20.000 con tôm giống và thức ăn cho số tôm hùm xanh đang nuôi 14 tháng, sắp xuất bán.
Sau khi lũ rút, hơn 13.000 con nuôi ba tháng đã chết trắng. Số tôm này chừng 100 gram, thương lái không mua, chồng bà phải vớt lên đổ bỏ. Ngoài ra, hơn 4.000 hùm xanh cũng chết. Hiện gia đình chị thiệt hại khoảng 900 triệu đồng.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, lũ xuống bất ngờ nên tôm hùm nuôi bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt. "Hiện nay nước vẫn còn xuống nên tôm tiếp tục bị chết, con số thiệt hại còn tăng nữa", ông Huy nói.
Không chỉ ở "thủ phủ tôm hùm", trận lũ vừa qua còn khiến hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu... ngập sâu. Hàng chục hecta hoa màu ngập úng, tài sản bị cuốn trôi, khiến người dân chật vật với cuộc sống.
"Chúng tôi trở tay không kịp khi nước lũ lên quá nhanh, nhiều đồ đạc bị ngập, hư hỏng", ông Phạm Văn Nam, 65 tuổi, nói và cho hay chưa thể nấu ăn nên chèo ghe đi nhận mì tôm, nước suối và cơm hộp từ các đoàn từ thiện.
Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, trận lũ sau bão Etau làm hơn 11.970 căn nhà bị ngập, có nơi cao 2 m; 62 nhà bị sập, tốc mái. Một người mất tích, hai người bị thương.
Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên, đợt lũ rồi không bằng năm 2009, nhưng lượng mưa lớn gây ngập nặng thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đồng Xuân. Tại ba nơi này, địa hình có đồi dốc cao, ít hồ chứa để điều tiết cắt lũ, đã gây ngập "chứ không phải nguyên nhân từ 50 hồ thủy lợi trên địa bàn xả lũ".
Tỉnh đang phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả, huy động lực lượng giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. "Địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại để tìm phương án hỗ trợ cho bà con", ông Thế nói.
Xuân Ngọc