Marie Wick, 18 tuổi, là con thứ hai trong gia đình 7 anh chị em ở trang trại gần thị trấn nhỏ Grygla, Minnesota. Cô gái tóc đen, xinh đẹp được bảo bọc từ nhỏ chưa bao giờ đi khỏi quê nhà quá 10 km.
Vì vậy, tháng 7/1921, khi cha mẹ cho phép đi thăm người thân cách đó 300 km ở North Dakota, cô vô cùng phấn khích. Đây là lần đầu Marie một mình đi xa.
Khi đến nhà ga giữa chặng để ngủ qua đêm trước khi bắt chuyến tàu thứ hai sớm hôm sau, Marie được Arnold, người quen của bố mẹ, sống gần đó, đưa đến khách sạn.
The Prescott thời đó là một trong những khách sạn hiện đại nhất của thành phố vì có điện, nước nóng và phòng tắm riêng. Nhìn chung, nó là nơi dừng chân thân thiện cho một thiếu nữ thiếu kinh nghiệm đi xa.
Khi Marie và Arnold bước vào sảnh, nhân viên trực đêm, William Gummer, đỡ lấy túi của Marie và đưa cô lên phòng số 30, trên lầu, cuối hành lang. Marie sau đó xuống dưới để cùng Arnold thăm quan quanh thành phố và ăn một que kem trước khi màn đêm buông.
Arnold đưa Marie trở lại The Prescott vào khoảng 23h. Cô dừng lại ở quầy lễ tân và nhờ William Gummer gọi điện báo thức vào 6h sáng hôm sau để kịp chuyến tàu 7h. Anh ta đồng ý. Cô bước lên cầu thang, đi vào phòng 30.
Gummer khai 6h hôm sau, ngày 7/6/1921 gọi nhiều cuộc đến phòng Marie Wick theo yêu cầu nhưng không thấy trả lời nên quyết định lên gõ cửa. Khi không thấy trả lời, anh mở khoá tự vào rồi và vội vàng chạy xuống gọi chủ khách sạn.
Sau nhiều giờ điều tra hiện trường đẫm máu, cảnh sát xác định Marie đã bị tấn công vào khoảng từ 0h30’ đến 2h. Cô bị đánh bằng vòi đồng của vòi cứu hỏa từ hành lang khách sạn.
Cảnh sát bắt đầu tìm kiếm những người cuối cùng nhìn thấy Marie còn sống. Arnold khai sau khi tiễn Marie đã cùng bạn gái uống cà phê ở Đại lộ trung tâm và sau đó đến chơi nhà bạn đến 2h sáng nên được loại trừ.
Một cựu chủ tịch ngân hàng đã tới khách sạn sau khi xuống tàu lúc 1h sáng và nhận phòng số 31 ngay bên cạnh. Song ông ta cũng không có dấu vết gì liên quan đến hiện trường. Cảnh sát cuối cùng đã bắt lễ tân Gummer, 22 tuổi, sau khi loại bỏ tất cả người tình nghi khác.
William Gummer là ai?
Một số người cho rằng anh ta là nông dân giản dị đến từ Mayville, North Dakota, đứa trẻ ngây thơ nhất trong gia đình 8 anh chị em. Nhưng với nhiều người, anh ta là gã mê lô đề, sát gái, bóng bẩy và lăng nhăng, chuyên gạ tình bằng "vẻ đẹp trai đến mê mệt" như các cô gái vẫn kháo nhau.
Cảnh sát địa phương chịu áp lực dư luận vì tính chất giật gân của vụ án đã lan toả khắp cả nước. Phiên tòa xét xử William Gummer diễn ra sau đó 8 tháng.
Cơ quan công tố cáo buộc Gummer biết Marie sẽ ở một mình vì anh ta lên nhận phòng. Hơn nữa, anh ta còn biết rằng ít nhất cho đến khoảng 1h sáng, căn phòng 31 không có người ở, vì vậy sẽ ít có cơ hội bị phát hiện.
Thứ hai, vụ giết người phải được thực hiện bởi người quen thuộc với khách sạn, cách bố trí và thói quen của nơi này vì không ai nghe thấy Marie hét lên trước khi bị tấn công. Thủ phạm phải làm nhanh chóng mà không cần phải mò mẫm trong phòng.
Thứ ba, kẻ sát nhân phải quen thuộc với hung khí giết người, đầu vòi bằng đồng của vòi cứu hỏa được lấy từ hành lang. Là nhân viên khách sạn, Gummer sẽ biết chính xác nơi tìm thấy vòi và cách tháo vòi.
Gummer thừa nhận đã nói chuyện với một người bạn rằng có "cô gái xinh đẹp ở phòng 30". Gummer sau đó gọi lên phòng cho Marie nhưng khi bị từ chối bắt chuyện. Anh ta khẳng định sau đó "không tơ tưởng gì thêm".
Song công tố viên khẳng định, nếu vậy Gummer càng có động cơ giết Marie sau khi cưỡng hiếp, vì nạn nhân đã biết mặt anh ta. "Nếu kẻ hiếp dâm từ bên ngoài đột nhập khách sạn, có thể hắn đã không sát hại", công tố viên nói.
Cảnh sát cũng tìm thấy chiếc quần dài dính máu dưới chân cầu thang tầng hầm của khách sạn, sau gần một tuần xảy ra vụ án mạng. Họ cho rằng, Gummer, trong khi làm nhiệm vụ những ngày sau vụ án, đã bỏ chúng xuống cầu thang. Nhà chức trách cáo buộc Gummer có đủ phương tiện, động cơ và cơ hội để phạm tội.
Swenson, luật sư của Gummer, cũng chính là anh rể, phản biện rằng suy luận của bên công tố là võ đoán và mơ hồ "như một ngôi nhà xây trên cát". Swenson chỉ ra rằng ít nhất 4 người đã trả phòng trong khoảng thời gian xảy ra án mạng. Nhưng cảnh sát không xác định được họ là ai, trừ một cái tên "James Farrell" ngụ ở Willmar, Minnesota. Cảnh sát cũng không bao giờ tìm thấy anh ta là ai. Họ thậm chí còn không bao giờ đến Willmar để điều tra.
Bên công tố cho rằng James Farrell thực chất chỉ là cái tên Gummer bịa ra và nhờ bạn ký vào để đánh lạc hướng cảnh sát.
Đến năm 1923, bang Dakota mới chấp nhận cho phụ nữ làm thành viên của bồi thẩm đoàn. Nên trong phiên toà này, Gummer đối mặt với hội đồng xét xử toàn nam giới. Tất cả đều nhìn anh với cái nhìn toé lửa của những người cha nghiêm khắc, trước cả khi nghe luận tội của công tố viên.
Bồi thẩm đoàn gồm 12 người đàn ông chỉ mất 6 giờ tuyên phạt Gummer tù chung thân về tội Giết người cấp độ một.
Phản ứng lại phán quyết này, bị cáo nhìn vào những bóng đèn chớp lia lịa của phóng viên, buông lời mai mỉa: "Họ chọn những người đàn ông không đọc báo để ngồi ghế bồi thẩm đoàn. Tôi không coi đó là loại đàn ông đủ thông minh để luận tội tôi".
Cuộc điều tra tiếp tục
Ngày 19/3/1922, William Gummer đặt chân đến nhà tù Tiểu bang North Dakota, nơi sẽ phải ở suốt phần đời còn lại của mình. Lời đầu tiên khi bước khỏi xe áp giải Gummer nói là: "Tôi sẽ không ở đây lâu. Tôi vô tội". Người quản giáo cười khẩy: "Ồ, 250 người đàn ông ở đây, ai chẳng vô tội".
Nhưng người anh rể và các luật sư vẫn tin là Gummer vô tội. Trong 18 năm tiếp theo, họ cố gắng vạch ra chiến lược để Gummer được minh oan. Khi Gummer năm lần bảy lượt vượt qua bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, họ đã kháng cáo lên Tòa án tối cao Bắc Dakota và hội đồng ân xá của bang. Tất cả đều bị từ chối. Gummer vẫn ở trong tù.
Nhưng ánh sáng cuối đường hầm đến vào năm 1936, khi một người đàn ông ở Denver tên là Arthur James khoe khoang với bạn bè rằng anh ta và cậu bạn Carter, đã sát hại một cô gái tại khách sạn ở Fargo tháng 6/1921, nhưng giờ "gã nhân viên lễ tân đang chịu trận thay cho tụi này". Ba nhân chứng đã ký vào bản tuyên thệ xác minh đã nghe James nói những lời này.
Cơ quan thực thi pháp luật và các luật sư của Gummer đã đến tìm James và Carter song họ đều phủ nhận hành vi phạm tội.
Hai người được yêu cầu viết tay để so sánh với chữ ký của James Farrell trong sổ lưu trú khách sạn. Chuyên gia nhận định, nét chữ của Carter khá giống với nét chữ trong sổ.
Nhưng đáng ngờ hơn cả là cách anh ta viết quê quán, "Willmar". Carter đã viết sai chính tả, khi chỉ dùng một chữ "l". Và kẻ tình nghi "James Farre", cũng mắc lỗi y hệt khi viết trong sổ lưu trú của khách sạn.
Do không đủ bằng chứng để bắt giữ Carter, các luật sư quyết định chuyển chiến thuật. Họ sẽ tạm thời không kháng cáo vô tội, mà chỉ nỗ lực để Gummer nhanh được ân xá.
Ngày 28/12/1944, Gummer bước khỏi cánh cổng nhà tù ở tuổi 46, bước lên xe bus chờ ở cổng trại. Từ đó, không ai biết Gummer đi đâu, làm gì. Có tìn đồn ông làm thợ cắt tóc, cưới vợ nhưng không có con, và sống thêm 37 năm nữa.
The Prescott Hotel đã đóng cửa một năm sau vụ án mạng, hiện là bãi đậu xe. Ai là người bước vào căn phòng số 30 vào đêm định mệnh đó, đến nay, vẫn là ẩn số.
Hải Thư (Theo The Globle)