Thí nghiệm bắt đầu từ tháng 12/2020, trên hơn 1.500 người tuổi từ 18 đến 40 tại Uganda, Tanzania và Nam Phi, 87% là phụ nữ. Trong đó, các chuyên gia sử dụng hai vaccine kết hợp với một loại PrEP (hình thức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm qua đường uống) mới, để ngăn chặn lây nhiễm HIV. Phác đồ này đã được xây dựng trong vòng 20 năm.
Khi bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2b, vaccine không có tác dụng, do đó phải dừng nghiên cứu. Kết quả chuyên sâu hơn sẽ được công bố vào mùa hè năm 2024.
Theo MedScape, sự kiện này không gây bất ngờ. Lý do là phát triển vaccine ngừa HIV rất khó khăn, mũi tiêm phải tạo nhiều kháng thể và phản ứng miễn dịch tốt hơn để ngăn chặn lây nhiễm. Đến nay, giới chuyên môn vẫn chưa xác định được phần nào của virus sẽ kích thích miễn dịch hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nói trên.
Tuy nhiên, thử nghiệm PrEPVacc đã giúp hiểu thêm về phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh. Larry Corey, nhà virus học và điều tra viên chính của Mạng lưới Thử nghiệm Vaccine HIV tại Seattle (Mỹ), cho biết nghiên cứu cho thấy chỉ 8-10% người dân đáp ứng miễn dịch tốt với một phần của virus gọi là vòng V1V2. Nếu sử dụng vật liệu di truyền khác, sau đó có kết quả tương tự, nhà sản xuất sẽ phải tìm ra phương án tốt hơn.
Gần 40 năm kể từ khi HIV được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS và 36 năm kể từ lần thử nghiệm vaccine đầu tiên, thế giới chưa có mũi tiêm nào được phê duyệt. Chỉ còn 2 loại khác đang được nghiên cứu, gồm RV144 được báo cáo có hiệu quả khiêm tốn trong ngăn nhiễm HIV, khoảng 30%; và VIR-1388 bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một để chứng minh tính an toàn.
HIV là vấn đề sức khỏe lớn của toàn cầu, do đó nhu cầu về vaccine luôn rất cấp thiết. Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 7/2023, virus gây ra khoảng hơn 40 triệu ca tử vong, lây truyền liên tục ở mọi quốc gia. Khoảng 39 triệu người đang sống chung với mầm bệnh, hai phần ba trong số đó nằm ở khu vực châu Phi.
Không có cách chữa khỏi nhiễm HIV. Tuy nhiên, tình trạng bệnh có thể kiểm soát được nhờ các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người mắc, kiểm soát yếu tố nhiễm trùng khác. Từ đó, người bệnh tiếp tục sống lâu dài và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các biện pháp điều trị, kéo dài sự sống không giúp ngăn chặn lây nhiễm. Vaccine là cách duy nhất để loại trừ mầm bệnh trên thế giới. Do đó, Corey cho rằng giới khoa học sẽ không bỏ cuộc dù nghiên cứu rất thách thức.
Chi Lê (Theo CNN, MedScape, Guardian)