Đây là loại thuốc kháng virus mới trên thế giới, một số nước vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm 2, 3 song đã sử dụng cho bệnh nhân Covid-19, như Mỹ, Ấn Độ. Theo Hội đồng Đạo đức y sinh học, Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ, kết quả "khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng, Hội đồng Đạo đức y sinh học quyết định thử nghiệm tại cơ sở y tế từ ngày 16/8 đến 22/8. Hai bệnh viện Thống Nhất (tại TP HCM) và Phổi Trung ương (Hà Nội) làm đầu mối phối hợp các cơ sở y tế triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1, 2, 3 trên bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa.
PGS.TS, bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm giai đoạn 2 cho bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến TP HCM, đặc biệt là bệnh viện dã chiến số 8, nơi đội ngũ y tế Bệnh viện Thống Nhất tham gia điều trị.
"Dù nhiều nước đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm 2 và 3, đánh giá tốt, nhưng Việt Nam vẫn thử nghiệm từ hai giai đoạn này để đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc, có phù hợp với thể trạng người Việt hay không", bác sĩ Thanh chia sẻ.
Ông cũng cho biết, quá trình thử nghiệm thuốc, lấy mẫu sàng lọc, được tiến hành rất khắt khe, nghiêm ngặt vì kết quả sẽ "quyết định đến vấn đề có đưa thuốc ra sử dụng ở cộng đồng hay không".
Thuốc kháng virus molnupiravir dạng viên, gồm loại hàm lượng 200 mg và loại 400 mg. Bệnh nhân thử nghiệm theo liều uống 800 mg mỗi ngày, tương đương hai viên thuốc 400 mg, chia làm hai lần uống trong ngày.
Thuốc đang thử nghiệm cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ở mức độ vừa. Đây là đối tượng nhiễm Covid-19 nhiều nhất. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khi xét nghiệm PCR dương tính, có triệu chứng, thì nên sử dụng molnupiravir. Các triệu chứng vừa đến nặng, như triệu chứng hô hấp gồm hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi; đến bắt đầu có triệu chứng viêm phổi, khó thở.
"Nếu thuốc giúp cơ thể khống chế được tải lượng virus sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm các biến chứng, từ đó đỡ gánh nặng cho các tầng trên", theo bác sĩ Thanh.
Sau kết thúc giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 với khoảng 360-420 bệnh nhân. "Hy vọng đến cuối tháng 8 có kết quả để đưa thuốc ra sử dụng", bác sĩ Thanh nói.
Dự kiến, sau thử nghiệm, Đại học Y dược TP HCM và Trường Đại học Y tế Công cộng sẽ trực tiếp triển khai chương trình thí điểm tại cộng đồng.
Mặc dù chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm, thuốc molnupiravir đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình Home-Based Care "thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng".
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đề nghị các doanh nghiệp mua, nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc molnupiravir. Bộ cũng xem xét cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp.
Thuốc molnupiravir mới đây được một tập đoàn nhập khẩu tặng Bộ Y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Loại thuốc kháng virus đầu tiên được Bộ Y tế đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 là remdesivir, dùng cho ca nặng và ưu tiên cho bệnh nhân trên 65 tuổi, béo phì, sử dụng truyền tĩnh mạch và theo chỉ định của bác sĩ. Remdesivir đang được Bộ Y tế xem xét cấp phép khẩn cấp.