Chương trình được triển khai với 3 hoạt động chính, gồm:
Thứ nhất, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng;
Thứ hai, cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19;
Thứ ba, cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Bộ Y tế cũng cung cấp Tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các F0, giúp họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Việc cung cấp và sử dụng thuốc cho F0 trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
F0 điều trị tại nhà và cộng đồng, thông qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý, lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình. Họ sẽ được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng Nhật ký bệnh nhân điện tử.
Dự kiến ngày 15/8, các chuyên gia của Bộ Y tế trực tiếp vào TP HCM phối hợp triển khai chương trình thí điểm điều trị F0 tại nhà.
Giới chức TP HCM cũng đã chuẩn bị thực hiện mô hình điều trị F0 tại nhà. Trong cuộc họp báo thông tin công tác phòng chống Covid-19 ở TP HCM ngày 13/8, Phó bí thư Phan Văn Mãi nói "năng lực tiếp cận và điều trị của hệ thống y tế đã quá tải trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp". Tính đến chiều 13/8, số ca nhiễm tại TP HCM do Bộ Y tế công bố vượt 140.000 ca.
Ông Mãi khẳng định trọng tâm chống dịch 30 ngày tới của thành phố là điều trị để giảm tử vong với 2 trụ cột. Thành phố triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng với 5 yêu cầu như: Nắm chặt danh sách F0 tại xã, phường, thị trấn, ai ở nhà, ai ở khu thu dung; mỗi F0 phải có bác sĩ, cán bộ y tế... thăm hỏi sức khỏe tại nhà; mỗi F0 có một suất thuốc do Bộ Y tế chỉ định và triển khai; y tế cơ sở phản ứng nhanh trong trường hợp F0 có triệu chứng; hệ thống hóa lại toàn bộ ứng dụng công nghệ và kết nối với các tầng điều trị.
"Việc này sẽ tác động đến 80% F0 trong chiến lược điều trị giảm tử vong. Đây là điểm mới", ông Mãi nói.
Theo ông, việc triển khai chăm sóc F0 tại nhà đã được thực hiện thời gian qua nhưng sắp tới sẽ thực hiện đồng bộ và mạch lạc hơn. TP đặt mục tiêu quản lý có thể lên tới 90%, chỉ còn 10% cần điều trị, trong đó chỉ 5-7% chuyển nặng.
Chủ trương điều trị F0 tại nhà được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, gây quá tải cho các cơ sở y tế. Bộ Y tế cho rằng "giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu".
Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã cập nhật các phác đồ về điều trị. Theo đó, Bộ Y tế triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch".
Sau khi thí điểm tại TP HCM, dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét mở rộng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân ở các địa phương khác đang có dịch.