Năm nay, ngành tài chính dự kiến số thu từ thuế thu nhập cá nhân khoảng 160.000 tỷ đồng. Song theo thông tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số thu từ thuế thu nhập cá nhân cả năm ước thực hiện là 189.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (157.000 tỷ đồng).
Như vậy, so với kế hoạch năm, tiền thuế thu nhập cá nhân đạt 118,7% dự toán, tương ứng vượt 30.000 tỷ đồng. Kết quả này được ngành thuế lý giải do nhiều biện pháp quản lý thu như hướng dẫn người nộp thuế, chống thất thu trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Cơ quan thuế cũng có nhiều giải pháp khai thác thêm các nguồn từ kinh doanh số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng...
Năm ngoái, các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế 25.900 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023 (21.639 tỷ đồng). Trong đó, thu từ sản xuất kinh doanh của cá nhân là 7.987 tỷ đồng, tăng 15%. Còn thu từ cho thuê tài sản tăng 17%, khoảng 3.235 tỷ đồng.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT). Tính tới cuối 2024, số thu thuế này chiếm khoảng 9,5% tổng thu ngân sách, cao hơn đáng kể so với mức 5,33% năm 2011.
Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân (11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020 và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, bất cập khi chi tiêu, cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Bộ Tài chính thừa nhận nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sửa đổi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội, giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.
Do đó, tại tờ trình đề nghị sửa luật này hồi tháng 11/2024, Bộ đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Họ cũng cho rằng các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa phù hợp với điều kiện mới.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm ngoái khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng siết quản lý thu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử. Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
2024 cũng là năm ngành thuế ghi nhận kỷ lục về số thu ngân sách nhà nước, vượt 1,7 triệu tỷ đồng. Với tiến độ này, tính cả dự toán năm 2025, thu ngân sách giai đoạn 5 năm có thể cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, vượt 0,7 triệu tỷ so với mục tiêu Quốc hội giao.
Phương Dung