Trả lời:
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh chó, mèo đã tiêm phòng không lây truyền bệnh dại. Hiệu quả miễn dịch ở động vật sau khi tiêm phòng dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, phác đồ và số mũi tiêm nhắc. Thế giới đã có một số nghiên cứu phát hiện chó, mèo đã tiêm phòng vẫn bị bệnh dại, những người phát bệnh dại đều tử vong. Vì vậy, bạn nên đi tiêm để bảo vệ bản thân.
Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, bạn cần sơ cứu kỹ trước khi đến tiêm phòng tại các cơ sở y tế để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm. Các bước sơ cứu gồm rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng 10 đến 15 phút và sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iốt. Sau đó, bạn nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được bác sĩ tư vấn tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.
Bạn hạn chế nặn máu và không nên băng kín vết thương. Nặn máu có thể gây nhiễm trùng vết thương, không giúp loại bỏ virus đang theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ.
Việt Nam hiện đang có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và vaccine Abhayrab (Ấn Độ). Cả hai đều là vaccine bất hoạt, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ. Do đó, bạn cần tiêm đủ mũi vaccine để có hiệu quả bảo vệ cao nhất.
Trường hợp bị thú cưng cào, cắn, phác đồ tiêm chủng gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Nếu đã tiêm ngừa trước khi bị cắn, dù vết thương nặng, bạn chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có gần 40 loại vaccine phòng hơn 50 bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ nhỏ, bao gồm vaccine dại. Hệ thống cũng hỗ trợ nhắc lịch tiêm qua tin nhắn, đảm bảo khách hàng tiêm phòng theo đúng phác đồ.
BS Phan Nguyễn Trường Giang
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC