Trong lễ duyệt binh hôm 10/10, Triều Tiên ra mắt mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn chưa từng có, như một lời nhắc nhở rằng sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn là mối đe dọa thực sự đối với Washington. Theo giới phân tích, Triều Tiên đang gửi lời nhắn nhủ tới người sẽ đắc cử tổng thống Mỹ: Năm 2021, họ sẽ lại là vấn đề khiến Washington đau đầu.
"Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rằng họ cam kết chi tiền để xây dựng các hệ thống có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi", Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí tại Monterey, California, cho biết.
"Có thể nhiều tên lửa sẽ không vượt qua được lá chắn phòng thủ, nhưng một số có thể làm được. Và chúng tôi sẽ không thích điều đó", Lewis nói.
Triều Tiên công bố một loạt khí tài hiện đại mới trong lễ duyệt binh, từ vũ khí bộ binh, mặt nạ phòng độc dùng trong chiến tranh hóa học cho đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Nhưng mọi sự chú ý đổ dồn vào mẫu ICBM mới, chưa từng xuất hiện trước đây, được chở trên xe tải kiêm bệ phóng có tới 11 cặp bánh lốp. Mẫu tên lửa này được cho là có kích thước lớn hơn Hwasong-15, ICBM uy lực nhất Triều Tiên từng công bố trước đó, được chở trên xe tải có 9 cặp bánh lốp.
Trong bài phát biểu trước lễ duyệt binh, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết các lực lượng vũ trang của nước này có nhiệm vụ răn đe và không nhằm vào "bất kỳ ai cụ thể". Nhưng các chuyên gia đánh giá những khí tài được phô diễn trên đường phố Bình Nhưỡng lại thể hiện một câu chuyện khác.
"Mục tiêu rõ ràng là Mỹ", Lee Ho-ryung, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên ở Seoul, nói. "Triều Tiên không cần phải phát triển ICBM lớn hơn và mạnh hơn nếu họ thực sự chỉ muốn phòng vệ".
Hôm 12/10, quân đội Hàn Quốc cho biết họ vẫn đang cố gắng xác định xem mẫu ICBM mới có phải là vũ khí thật hay không, trong bối cảnh nhiều người hoài nghi rằng đây chỉ là một mô hình nhằm phô trương sức mạnh. Viện Chiến lược An ninh Quốc gia cho rằng việc mẫu tên lửa này chưa được thử nghiệm cho thấy nó "nhằm mục đích phô diễn chính trị hơn là sử dụng trong chiến đấu thực tế".
Nhưng các chuyên gia độc lập cho biết tên lửa này có vẻ là vũ khí thật và chúng là "vũ khí chiến lược mới" mà ông Kim từng khoe vào đầu năm. ICBM lớn nhất trước đây của Triều Tiên, Hwasong-15, đã được thử nghiệm vào tháng 11/2017 và được cho là có tầm bắn gần 13.000 km, nghĩa là nó có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ. Tên lửa mới dài hơn và đường kính lớn hơn, nghĩa là nó có thể mang nhiều nhiên liệu hơn hoặc gắn động cơ lớn hơn, hoặc cả hai.
Melissa Hanham, Phó Giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở, đánh giá đây là tên lửa được thiết kế để mang nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc các đầu đạn mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết phân tích sơ bộ cho thấy tên lửa có khả năng mang 3-4 đầu đạn hạt nhân. Điều đó sẽ khiến Mỹ phải đau đầu nghiên cứu cách đối phó và tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho hệ thống phòng thủ tên lửa tại Alaska.
"Cách thức hoạt động của lá chắn ở Alaska là chúng bắn 4 tên lửa đánh chặn vào mỗi đầu đạn", Lewis nói. "Họ không quá tự tin rằng chúng sẽ chuẩn xác, vì vậy, nếu họ bắn 4 quả tên lửa để chặn một đầu đạn thì họ sẽ có 97% cơ hội thành công hoặc đại loại thế".
Nói cách khác, nếu Mỹ muốn đánh chặn một ICBM mới mang ba đầu đạn của Triều Tiên, họ cần phóng đến 12 tên lửa đánh chặn. Chính quyền Obama đã đặt mua 14 tên lửa đánh chặn với chi phí khoảng một tỷ USD, có nghĩa là việc Triều Tiên bổ sung đầu đạn "rẻ hơn nhiều so với việc Mỹ lắp thêm tên lửa đánh chặn".
Không thể đoán trước khi nào Triều Tiên sẽ thử nghiệm ICBM mới. Tháng 4/2018, họ tuyên bố dừng các vụ thử hạt nhân và ICBM, nhưng vào cuối năm ngoái, ông Kim nói rằng ông không còn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.
Đã không đạt được điều mình muốn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Triều Tiên dường như đang làm tăng nhiệt tình hình theo một kịch bản leo thang quen thuộc để tạo tiền đề nhằm yêu cầu nhượng bộ.
"Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ người Triều Tiên nói 'nếu anh không thỏa mãn điều chúng tôi muốn thì chúng tôi có thể làm cho cuộc sống của anh khốn khổ", Lewis nói.
Bằng cách công bố một loại vũ khí đáng sợ hơn, ông Kim đang hy vọng nó sẽ khiến Mỹ sẵn sàng nhượng bộ hơn. Việc công bố vũ khí mới củng cố quan điểm của một số quan chức và nhà quan sát ở Mỹ, Hàn Quốc và các nơi khác rằng ông Kim vẫn không thể từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, Wi Sung-lac, cựu đặc phái viên vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc, nói.
"Ngày càng nhiều người cho rằng chúng ta không thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân nên chỉ có thể cố gắng kiềm chế họ", Wi nói. "Triều Tiên hy vọng một ngày nào đó điều này sẽ trở thành chính sách chính thức của Mỹ".
Phương Vũ (Theo Washington Post/WSJ)