Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh lớn tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng rạng sáng 10/10 để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Truyền thông Hàn Quốc nhận định sự kiện diễn ra lúc 4h-6h30, trong khi hình ảnh do đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV công bố cho thấy buổi lễ bắt đầu đúng 0h ngày 10/10.
"Tôi chưa từng thấy cuộc duyệt binh ban đêm nào trong lịch sử nước này. Thông điệp của duyệt binh là phô trương sức mạnh khí tài quân sự, cũng như trình độ huấn luyện và kỷ luật của các đơn vị. Duyệt binh ban đêm gần như là vô nghĩa", Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin tại Seoul, nêu quan điểm.
"Đó là động thái thực sự lạ. Lý do duy nhất tôi có thể nghĩ đến là duyệt binh ban đêm sẽ bảo đảm bí mật trong quá trình vận chuyển các vũ khí chiến lược", Chad O'Carroll, giám đốc công ty tư vấn North Korea Risk Group đặt tại Seoul, nhận xét.
Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu chuyên về Triều Tiên tại Viện Asan, cho rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách phát đi thông điệp răn đe mà không để lộ những tính năng quan trọng của khí tài. "Họ muốn phô diễn loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất, nhưng cũng muốn che giấu nhiều đặc điểm hoặc đó có thể chỉ là một mô hình", ông nói.
Hành động phô trương sức mạnh quân sự của Triều Tiên có thể hướng tới hai đối tượng. Đầu tiên là người dân trong nước, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng kinh tế bởi các biện pháp đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn Covid-19 xâm nhập. Tiếp đó là người sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
"Mọi dấu hiệu đều cho thấy Triều Tiên không muốn khiêu khích Mỹ và họ cũng không muốn giảm cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Ông ấy rất nguy hiểm, nhưng họ đã tìm ra cách tác động đến ông ấy. Biden không nguy hiểm nhưng cơ hội đối thoại với ứng viên đảng Dân chủ gần như bằng không", Lankov nhận định.
Tuy nhiên, Kim Dong-yup, cựu sĩ quan Hàn Quốc và giảng viên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, bác bỏ nhận định cho rằng lễ duyệt binh diễn ra trong đêm để bảo vệ bí mật vũ khí hoặc tránh khiêu khích Mỹ - Hàn.
"Họ có thể đơn giản cắt bỏ hình ảnh hoặc hoàn toàn không trình chiếu lễ duyệt binh nếu muốn giấu tính năng khí tài. Không có dấu hiệu nào như vậy trong buổi tường thuật. Tôi cho rằng động thái này không có ý nghĩa nào sâu xa, nó dường như chỉ nhằm khuếch đại hiệu ứng với khán giả trong nước. Những thủ thuật tương tự từng được áp dụng tại Hàn Quốc và nhiều nơi trên thế giới", Kim nói.
Thời điểm đài KCTV tường thuật lễ duyệt binh là đầu giờ sáng tại Mỹ. "Hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-4 và ICBM hoàn toàn mới chỉ xuất hiện ở cuối đoàn duyệt binh, nó là dấu hiệu dành riêng cho Mỹ nhằm thể hiện sức mạnh răn đe của Triều Tiên. Kim Jong-un đã thực hiện lời hứa phô diễn 'vũ khí chiến lược mới' với thế giới mà ông đưa ra hồi năm 2019", cựu sĩ quan Hàn Quốc nhận xét.
Trong bài phát biểu ở lễ duyệt binh, Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục xây dựng "khả năng răn đe để tự vệ" và sẵn sàng huy động lực lượng mạnh nhất nếu bị đe dọa, nhưng thêm rằng sức mạnh quân sự của nước này không nhằm vào quốc gia nào.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn duy trì cam kết không thử hạt nhân và tầm xa nhằm để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Mỹ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử vũ khí lớn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11 để giành thêm lợi thế đàm phán.
Vũ Anh (Theo Asia Times)