Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Quân đội Nga sau đó tăng cường hoạt động huấn luyện cho phi công Belarus sử dụng "đạn dược đặc biệt", ám chỉ đầu đạn hạt nhân chiến thuật, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai loại vũ khí này ở nước láng giềng từ tháng 7.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Tuy nhiên, chúng có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với các loại vũ khí thông thường và tiềm ẩn nguy cơ gây ra khả năng ô nhiễm phóng xạ rất lớn.
Giới quan sát cho rằng động thái này là phản ứng quyết liệt của Nga với sức ép ngày càng tăng từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài các gói trừng phạt chưa từng có mà Mỹ cùng các đồng minh áp với Moskva trong năm qua, phương Tây cũng không ngừng viện trợ thêm các loại vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine, gây khó khăn cho Nga trên chiến trường. Moskva nhiều lần chỉ trích hành động này, cáo buộc động thái hỗ trợ vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài hơn.
NATO gần đây đẩy nhanh quá trình kết nạp Phần Lan, biến quốc gia Bắc Âu này thành thành viên thứ 31 hôm 4/4 và giúp liên minh quân sự có thêm hơn 1.300 km biên giới với Nga. Nga từng tuyên bố đà hướng đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Moskva phải phát động chiến dịch ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.
Người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả việc NATO kết nạp Phần Lan "nhằm đảm bảo an ninh chiến thuật và chiến lược của mình".
Tiến sĩ Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại trường King's College London, Anh, cho rằng gây sức ép bằng vũ khí hạt nhân là một trong những chiến thuật đối phó cứng rắn mà Nga tung ra nhằm đối phó với phương Tây, bên cạnh các hoạt động như ngoại giao, an ninh mạng.
Ngoài việc đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus, Nga còn tuyên bố sẽ tăng cường khả năng phòng thủ ở biên giới tây bắc với Phần Lan, tùy thuộc vào mức độ cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí mà NATO bố trí ở nước thành viên mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khả năng Nga phản ứng bằng biện pháp quân sự với Phần Lan là rất thấp.
"Gần như toàn bộ nguồn lực quân sự của Nga hiện nay đã được tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine và nước này có rất ít khả năng thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào về quân sự dọc biên giới Phần Lan trong ngắn hạn và trung hạn", tiến sĩ Tuck nói với VnExpress.
Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov hôm 2/4 cho hay vũ khí hạt nhân sẽ được đưa đến biên giới phía tây Belarus để "tăng cường đảm bảo an ninh, bất chấp sự ồn ào từ châu Âu và Mỹ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích kế hoạch của Nga là "nguy hiểm", trong khi Liên minh châu Âu (EU) dọa áp trừng phạt với Belarus.
Những căng thẳng này khiến giới quan sát lo ngại về cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga với phương Tây, đặc biệt là nguy cơ đối đầu hạt nhân. Tuy nhiên, John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Mỹ, cho rằng những động thái của Nga chỉ nhằm phát đi thông điệp răn đe những nước đang hỗ trợ Ukraine.
"Mục đích của Nga khi đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus là thuyết phục các đồng minh của Ukraine rằng có quá nhiều rủi ro khi để xung đột kéo dài", Erath nói với VnExpress. "Chiến thuật này nhằm khiến các đồng minh của Ukraine lo lắng, thúc giục họ đưa ra đề xuất hòa bình với các điều khoản có lợi cho Nga".
Chuyên gia Erath nhận định bất chấp những thông điệp cứng rắn, Nga sẽ không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời gian tới, bởi nó "hầu như không mang lại bất cứ lợi ích nào về mặt quân sự".
Tiến sĩ Tuck đồng tình với nhận định này, khi cho rằng khả năng xung đột Ukraine leo thang thành cuộc đối đầu hạt nhân là rất thấp.
"Chiến lược của Nga là kéo dài xung đột nhằm bào mòn ý chí của Ukraine, cũng như nỗ lực viện trợ cho Kiev của phương Tây. Việc khai hỏa vũ khí hạt nhân không phù hợp với chiến lược này", ông nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin ngày 9/4 cho rằng phương Tây đang "phản ứng thái quá" với việc Moskva bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus, trong khi Mỹ cũng đặt những quả bom như vậy ở châu Âu trong nhiều năm qua. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trước đó thậm chí chỉ trích Washington "đạo đức giả".
Tổng thống Putin cũng tuyên bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Moskva ở Belarus "không có gì bất thường" và Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Ông khẳng định không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân cho Minsk, ngay cả khi chúng được triển khai ở nước này.
"Nếu không có sự tham gia của chuyên gia Nga, Belarus sẽ không thể sử dụng các đầu đạn hạt nhân đó. Tất cả vũ khí hạt nhân của cả Nga và Mỹ đều trang bị hệ thống mã khóa và sẽ không thể sử dụng nếu không được cấp mật mã", Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc viện nghiên cứu IMEMO ở Moskva, Nga, chia sẻ với RBC.
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống Putin là người ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ khí hạt nhân, cả với đầu đạn chiến lược và chiến thuật. Điện Kremlin khẳng định học thuyết hạt nhân này quy định Moskva chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ khi quốc gia bị đe dọa, không khai hỏa "theo cảm tính".
Andrey Baklitsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc (UNIDR), nhận định động thái triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus chỉ nhằm phát thông điệp cảnh báo tới phương Tây.
"Một cuộc tấn công hạt nhân sẽ gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc không chỉ với lực lượng quân sự trên chiến trường mà còn với rất nhiều dân thường trong khu vực. Bởi vậy, vũ khí hạt nhân trước hết là vũ khí chính trị và sẽ chỉ được sử dụng như một yếu tố răn đe", Baklitsky nói.
Thanh Tâm