"Tôi tự hào về tổ quốc và những người dân vĩ đại của chúng ta, cũng như tinh thần dân tộc bất khuất. Với sự đoàn kết và kiên cường, chúng ta đã viết nên bản hùng ca về cuộc chiến chống đại dịch", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu ngay trước thềm năm mới.
Bài phát biểu dài 12 phút được phát sóng trên gần như toàn bộ kênh truyền thông nhà nước, cũng như các tài khoản của họ trên mạng xã hội, đề cập tới thành công của Trung Quốc trong công tác xử lý Covid-19, đồng thời kêu gọi đất nước đoàn kết hơn nữa trong năm 2021.
Theo ông Tập, người lao động và công dân trên tuyến đầu chống dịch đã dồn "những giọt sức mạnh thành nguồn năng lượng to lớn" để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ông còn ca ngợi Trung Quốc vì trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm nay, GDP 2020 dự kiến tăng lên mức 100 nghìn tỷ tệ (hơn 15 nghìn tỷ USD), đánh bại lũ lụt, thành công trong xóa đói giảm nghèo, tiếp tục thúc đẩy công cuộc mở cửa và cải cách.
"Chúng ta đã vượt qua ảnh hưởng của đại dịch, đạt nhiều thành tích trong phối hợp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đã được hoàn thành đầy đủ. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đang được xây dựng toàn diện. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ để thiết lập một mô hình phát triển mới, đồng thời triển khai sâu rộng phát triển chất lượng cao", Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.
Theo bình luận viên Gerry Shih của Washington Post, sự tự tin và không khí hân hoan được truyền tải qua thông điệp năm mới của ông Tập là một bước ngoặt đáng kể so với những tuần đầu tiên của năm 2020, khi Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc sôi sục trong cơn thịnh nộ và hoảng loạn, với số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng. Nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, cáo buộc Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng và không kiềm chế được virus, ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thế giới.
Tuy nhiên, ngay đầu tháng 3, ông Tập đã tới thăm "tâm dịch" Vũ Hán trong bối cảnh các biện pháp chống Covid-19 mạnh tay của Trung Quốc dường như được đền đáp. Nước này sau đó nhanh chóng kiểm soát tốt đại dịch, kể cả những đợt bùng phát tiếp theo. Ngoài lời cảm thông với những người "không may nhiễm nCoV", bài phát biểu mừng năm mới của ông Tập chứa đầy sự tích cực và lời ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Trung Quốc.
Cả bài phát biểu không đề cập gì đến Tổng thống Mỹ Donald Trump hay mối quan hệ ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington trong năm qua, cũng không nhắc về làn sóng chỉ trích cách phản ứng ban đầu của Trung Quốc với đại dịch, chính sách ngoại giao "chiến lang", việc áp đặt luật an ninh mới với Hong Kong và nhiều vấn đề khác.
"Điều chúng tôi thảo luận nhiều nhất là duy trì đoàn kết để chiến đấu với đại dịch. Người dân khắp thế giới nên chung tay và hỗ trợ lẫn nhau, nhằm xóa bỏ tình trạng u ám do dịch bệnh", ông Tập cho hay, nói thêm rằng ông đã tổ chức "nhiều cuộc trao đổi với cả những người bạn cũ và mới".
Bài phát biểu đầy lạc quan được ông Tập đưa ra giữa lúc chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao tại Trung Quốc, được cho là hệ quả từ công tác kiểm soát Covid-19 thành công của chính phủ. Theo Victor Shih, giáo sư tại Đại học California ở Mỹ, 2020 là một năm thành công của giới lãnh đạo Trung Quốc, dù phần lớn thế giới đều muốn quên đi năm đầy tai họa này.
"Nhìn chung, Bắc Kinh coi 2020 là một năm của thắng lợi và được minh oan, nên bài phát biểu sẽ phản ánh những cảm xúc như vậy", giáo sư Shih nhận định, lưu ý thêm rằng ông Tập đã kêu gọi giới chức tin tưởng hơn vào tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc.
Bài phát biểu được đánh giá là bước khởi đầu cho một năm vô cùng quan trọng đối với nền chính trị Trung Quốc. Nước này dự kiến tổ chức một loạt sự kiện để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay. Ông Tập cũng từng tuyên bố trọng tâm là đưa Trung Quốc trở thành "một xã hội tương đối thịnh vượng" vào năm 2021.
Hồi đầu tháng 12, ông Tập cho biết gần 100 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực kể từ khi nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào năm 2013. Chính phủ Trung Quốc định nghĩa ngưỡng nghèo cùng cực là thu nhập khoảng 600 USD/năm. Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Trung Quốc, hành trình khó khăn mới chỉ bắt đầu.
"Con đường phía trước còn dài. Phấn đấu là cách duy nhất để tiến lên phía trước", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)