Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/10 tới thăm căn cứ Thủy quân lục chiến của quân đội Trung Quốc (PLA) tại Quảng Đông, yêu cầu các binh sĩ "toàn tâm toàn ý sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh", "duy trì trạng thái cảnh giác cao độ" và "tuyệt đối trung thành, trong sáng và đáng tin cậy".
Tuyên bố của ông Tập khiến một số chuyên gia phương Tây lo ngại, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực gây ảnh hưởng toàn cầu. James Holmes, chuyên gia quân sự thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng đối tượng hướng tới của ông Tập trong thông điệp này không chỉ là Thủy quân lục chiến PLA.
"Thông điệp của ông Tập có vẻ sáo mòn. Lực lượng vũ trang sinh ra để giới chính trị gia có lựa chọn khi phát động chiến tranh, nên họ luôn phải sẵn sàng chiến đấu, ngay cả trong thời bình", Holmes viết.
Theo ông, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, bất cứ lực lượng quân đội nào cũng phải toàn tâm toàn ý sẵn sàng chiến đấu và duy trì trạng thái cảnh giác cao độ. Bởi vậy, Chủ tịch Trung Quốc chỉ đơn giản là nhắc nhở Thủy quân lục chiến thực hiện nhiệm vụ của mình, không phải là tuyên bố rằng chiến tranh đang cận kề.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Chuyên gia này nhận định đối tượng chính mà ông Tập nhắm tới trong bài phát biểu này chính là Đài Loan, hòn đảo nằm gần như đối diện tỉnh Quảng Đông. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và khẳng định sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết.
Yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu được ông Tập trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan leo thang. "Ông Tập muốn thuyết phục người Đài Loan rằng họ không thể chiến thắng và chỉ chuốc lấy thất bại nếu cản trở ý chí của Bắc Kinh", Holmes viết.
Chuyên gia này nhận định Chủ tịch Trung Quốc còn ngầm khẳng định PLA ngày càng được trang bị tốt hơn, với số lượng chiến hạm, máy bay và nhân lực vượt trội so với lực lượng phòng vệ Đài Loan. Các binh sĩ PLA sẽ "chiến đấu với kỹ năng và nhiệt huyết" nếu nhận nhiệm vụ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Thông điệp sẵn sàng "chiến đấu" của Chủ tịch Tập Cận Bình còn hướng tới Mỹ, cùng các cường quốc châu Á và đồng minh có khả năng "thách thức yêu sách lãnh thổ và tham vọng tạo dựng ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc". Trong đó, "Mỹ là đối tượng thú vị", Holmes nhận định.
Trung Quốc trong nhiều năm xây dựng lực lượng để làm chậm và suy yếu lực lượng Mỹ khi qua Thái Bình Dương để hội quân với lực lượng đóng tại Guam, Nhật Bản và khu vực khác ở Đông Á, trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự quanh eo biển Đài Loan.
Ông Tập có thể không thuyết phục được giới chính trị và dân chúng Mỹ rằng quân đội Trung Quốc có thể đánh bại họ hoàn toàn. Chủ tịch Trung Quốc dường như muốn Mỹ nhận ra rằng khi nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan, "họ sẽ tới hiện trường quá muộn và không đủ sức để hoàn thành mục tiêu hỗ trợ quân sự cho hòn đảo".
"Nếu làm được điều này, ông Tập có thể khiến Mỹ từ bỏ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan (trong trường hợp nổ ra xung đột), vốn không mang lại kết quả tương xứng", Holmes cho biết.
Ông Tập có thể tìm cách khiến Mỹ cân nhắc việc phải chi bao nhiêu để đẩy lùi chiến dịch đổ bộ do PLA triển khai nhằm hỗ trợ đảo Đài Loan. Quân đội Mỹ vẫn có thể đạt mục tiêu hỗ trợ đảo Đài Loan, song họ phải trả giá nặng nề cho điều đó.
"Ông Tập có thể hỏi người Mỹ rằng họ chuẩn bị trả giá bao nhiêu để hỗ trợ cho hòn đảo nhỏ với 23 triệu dân nằm sát Trung Quốc đại lục", Holmes viết.
Mỹ có thể mất đáng kể hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng hỗn hợp tại khu vực nếu tham gia xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan. Dù giành chiến thắng, tổn thất lực lượng khiến Mỹ giảm khả năng "duy trì vị thế siêu cường và trật tự tự do hàng hải" dẫn đến "chiến thắng cục bộ, chiến bại toàn cầu", chuyên gia Holmes nhận định.
"Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang hỏi giới lãnh đạo chính trị và quân sự cùng các cử tri Mỹ rằng với họ điều gì là quan trọng", Holmes viết. "Một nước Mỹ vốn tự đặt mình là trên hết, giờ rơi vào tình trạng bối rối và chia rẽ vì đại dịch hoành hành, có thể quyết định rằng không đáng dồn lực vào Đài Loan khi tính tới các ưu tiên khác".
Nguyễn Tiến (Theo National Interest)