Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 5/3 công bố báo cáo cho biết ngân sách quốc phòng nước này dự kiến tăng 6,8%, lên mức 1,36 nghìn tỷ tệ (khoảng 210 tỷ USD) trong năm 2021, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Chi tiêu quân sự Trung Quốc tăng nhằm "hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang, giúp sức mạnh quân sự đồng hành với tăng trưởng kinh tế".
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái, mức thấp nhất suốt 20 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng với Mỹ.
"Ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục bất chấp tình hình tài chính và đại dịch được thúc đẩy chủ yếu bởi yêu cầu chính trị và quân sự", Su Tzu-yun, giám đốc Cục Chiến lược thuộc Viện Nghiên cứu Phòng thủ và Chiến lược Đài Loan, nhận xét.
Các ưu tiên đầu tư của quân đội Trung Quốc trong năm nay gồm hạ thủy tàu sân bay thứ ba, chế tạo tàu sân bay trực thăng Type-075, phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type-096 và oanh tạc cơ tàng hình H-20. "Các vũ khí này sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất, triển khai lực lượng đến chuỗi đảo thứ hai, đáp ứng các mục tiêu địa chiến lược và quân sự của Bắc Kinh, đồng thời kích thích nền kinh tế nội địa", ông nói.
Các khoản đầu tư công lớn cho quân đội nằm trong tham vọng kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm nhấn mạnh "lưu thông nội địa", hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước, bổ sung cho giao thương với nước ngoài.
"Ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng là câu trả lời của Bắc Kinh với Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vốn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc", Su nói thêm.
Mở rộng lực lượng hải quân có thể giúp ngành công nghiệp đóng tàu nội địa Trung Quốc sống sót trong khi nhiều nhà máy trên toàn thế giới đang chịu thiệt hại, cũng như củng cố những tuyến giao thương đường biển và bảo đảm khả năng triển khai sức mạnh trên các đại dương.
"Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng nhanh và ổn định trong hai thập kỷ qua", Adam Ni, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc ở Canberra, Australia, nhận định. "Điều này phản ánh sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc và quyết tâm củng cố các tham vọng chiến lược bằng sức mạnh cứng rắn".
Adam Ni cho biết các con số không thể hiện bức tranh toàn cảnh, do chúng "có thể không bao gồm tất cả khoản chi tiêu liên quan đến quốc phòng". Chuyên gia này nhận định việc đẩy mạnh trang bị các thiết bị công nghệ tiên tiến khiến chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng vọt.
Trung Quốc những năm qua đầu tư hàng trăm tỷ USD hiện đại hóa quân đội nhằm đạt mục tiêu xây dựng lực lượng "hiện đại hóa hoàn toàn" vào năm 2027 và "quân đội đẳng cấp thế giới" có năng lực sánh ngang với Mỹ vào năm 2050.
Trung Quốc liên tục gây sức ép lên đảo Đài Loan trong nhiều năm, bao gồm điều máy bay áp sát và tổ chức các cuộc diễn tập quanh hòn đảo. Bắc Kinh gần đây cũng tăng cường các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông, ngăn cản tàu thuyền các nước đánh bắt, thăm dò trong khu vực. Hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên chạm mặt chiến hạm của Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông.
"Các mối đe dọa bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm những thách thức nghiêm trọng do Mỹ đặt ra, đặc biệt là việc can thiệp không ngừng vào vấn đề Đài Loan, khiến Bắc Kinh phải tăng cường năng lực của mình", chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho biết.
Vũ Anh (Theo Taipei Times)