
Tên lửa Triều Tiên khai hỏa trong vụ thử ngày 4/5. Ảnh: KCNA.
Vài tuần trước khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn và rocket cỡ lớn hôm 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác quyết định của Bộ Tài chính về việc siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Nhà Trắng giải thích rằng ông Trump quý mến ông Kim Jong-un và đánh giá việc đưa ra thêm biện pháp trừng phạt là không cần thiết.
Giờ đây, sau một năm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cá nhân với Kim Jong-un, Trump đang lâm vào bế tắc. Ông nhận ra rằng "tình bạn" giữa hai lãnh đạo không đủ để giải quyết vấn đề, nhất là khi tên lửa Triều Tiên, dù chỉ là vũ khí tầm ngắn, tiếp tục bay ra Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông).
Các nhà phân tích nhận xét rằng với vụ thử vũ khí mới nhất này, Kim Jong-un đang quay lại chiến lược quyết liệt của cha và ông mình nhằm tăng áp lực, buộc Trump phải nhượng bộ khi đàm phán. Khi nước Mỹ đang tiến gần đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, chiến lược đó có thể đe dọa điều Trump gọi là "sáng kiến ngoại giao đậm dấu ấn" của mình, khiến ông không thể tuyên bố rằng ông có thể giải quyết được vấn đề mà những người tiền nhiệm đã thất bại.
"Vụ thử tuần trước thể hiện rằng Kim Jong-un ngày càng bi quan về khả năng đạt được thỏa thuận với Trump", Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam, Hàn Quốc, nói.
Triều Tiên đầu năm ngoái tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa. Mặc dù hôm 4/5 Triều Tiên chỉ thử tên lửa tầm ngắn, hành động đó thể hiện rằng ông Kim đang cân nhắc nối lại các cuộc thử nghiệm tầm xa và hạt nhân.
"Có thể có một số điều chỉnh nhỏ trong hành vi của Triều Tiên, tùy thuộc vào cách người Mỹ phản ứng, nhưng về lâu dài, dường như ngày càng rõ ràng rằng ông Kim quyết định đi theo con đường riêng", Lee nói thêm.
Bất kỳ cuộc thử nghiệm vũ khí nào cũng có nguy cơ khiến tương lai thêm bất định. Ông Kim có thể đang cố tình khiêu khích để ông Trump đưa ra những ngôn từ gay gắt như trước đây. Triều Tiên sẽ lấy đó làm cái cớ để nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc hạt nhân.
"Bình Nhưỡng đang nói rõ ràng rằng nếu không có tiến triển trong các cuộc đàm phán, các cuộc thử vũ khí có thể quay trở lại hoàn toàn", Adam Mount, chuyên gia từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nhận xét.
Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội hồi tháng hai không đạt được kết quả vì ông Trump từ chối yêu cầu của ông Kim là dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt với nước này kể từ năm 2016 để đổi lấy việc Triều Tiên xóa bỏ một phần chương trình vũ khí hạt nhân. Kim Jong-un hôm 12/4 cho Trump thời hạn đến cuối năm nay để đưa ra đề xuất mới.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử vũ khí ngày 4/5. Ảnh: KCNA.
Mỹ từng có cách tiếp cận đầy hứa hẹn với Triều Tiên nhưng cuối cùng nỗ lực thất bại. Năm 1994, để hạ nhiệt căng thẳng hạt nhân có nguy cơ leo thang thành xung đột dưới thời tổng thống Bill Clinton, Bình Nhưỡng hứa hẹn đóng băng hoạt động hạt nhân nếu Mỹ cung cấp cho Triều Tiên hai lò phản ứng nước nhẹ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ bể vì Triều Tiên âm thầm mua thiết bị làm giàu uranium từ Pakistan và tiếp tục tìm cách chế tạo bom hạt nhân.
Khi tổng thống George W. Bush lên nắm quyền năm 2001, ông thực hiện chính sách cứng rắn với Triều Tiên và căng thẳng giữa hai bên lại bùng lên. Ông Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, cho thử thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Một số chuyên gia cho rằng không nên suy diễn quá nhiều về vụ thử tên lửa hôm 4/5 của Triều Tiên. Họ coi đây đơn giản là hoạt động diễn tập thường kỳ hoặc là dấu hiệu thể hiện tình thế bị dồn vào chân tường của Bình Nhưỡng. Các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên bằng cách cấm tất cả mặt hàng xuất khẩu chính của họ bao gồm than, dệt may, đồng thời cắt giảm lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Việc Triều Tiên thử tên lửa chiến thuật tầm ngắn thay vì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể là nỗ lực để tạo ra đột phá cho các cuộc đàm phán đang bị đình trệ nhưng không quá kích động ông Trump.
Ankit Panda, chuyên gia từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, đánh giá động thái của ông Kim còn có thể nhằm gửi thông điệp đến người dân trong nước, sau khi không đạt được mục đích trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng hai. "Ông ấy cần cho mọi người ở Triều Tiên thấy rằng mình vẫn là một lãnh đạo mạnh mẽ", Panda nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)