Quân đội Nga ngày 21/5 bắt đầu các cuộc diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật theo mệnh lệnh được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi đầu tháng. Đây là lần đầu tiên Nga công khai thông báo về cuộc diễn tập liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, mặc dù lực lượng hạt nhân chiến lược của họ thường xuyên tổ chức diễn tập.
Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, trong giai đoạn đầu tiên của cuộc diễn tập, các binh sĩ sẽ thực hiện khoa mục "huấn luyện thực tế về chuẩn bị cũng như sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", trong đó có tên lửa Kinzhal và Iskander, những khí tài có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, là loại đầu đạn cỡ nhỏ có thể gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Loại đầu đạn này được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn.
Đợt diễn tập được quân đội Nga tổ chức tại Quân khu miền Nam, nằm tiếp giáp biên giới Ukraine và bao gồm cả bán đảo Crimea cùng 4 khu vực mà Nga sáp nhập gần đây.
Giới phân tích nhận việc Nga lựa chọn địa điểm diễn tập gần biên giới Ukraine là lời răn đe của Tổng thống Putin nhằm cảnh báo phương Tây không can thiệp sâu hơn vào chiến sự ở nước này.
Thông tin về cuộc diễn tập được công bố trong bối cảnh một số nước phương Tây gần đây gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí bật đèn xanh cho Kiev sử dụng các loại vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để tập kích mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khiến Nga tức giận khi công khai tuyên bố không loại trừ phương án triển khai binh sĩ tới Ukraine nếu Kiev bị chọc thủng phòng tuyến. Điện Kremlin tuyên bố sự hiện diện của binh sĩ phương Tây trên lãnh thổ Ukraine là "lằn ranh đỏ" và Nga có thể đáp trả bằng những biện pháp quyết liệt nhất, thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.
Một số chuyên gia phương Tây tin rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn trong chiến lược của Nga để đối đầu phương Tây kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.
Về lý thuyết, việc sử dụng loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ như vậy có thể gây sốc cho dư luận ở các nước phương Tây mà không nhất thiết thổi bùng lên một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện, dù nguy cơ leo thang là rất lớn. Cú sốc đó có thể khiến người dân các nước, đặc biệt là ở châu Âu, lo ngại và phản đối chính phủ can dự sâu hơn vào xung đột Ukraine.
Vào ngày phát động chiến sự ở Ukraine hơn hai năm trước, Tổng thống Putin từng cảnh báo những nước đang cân nhắc can thiệp để giúp Kiev rằng họ sẽ phải đối mặt với "hậu quả mà các bạn chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình". Đây được coi là lời ám chỉ về vũ khí hạt nhân và mối đe dọa đó chưa từng giảm đi trong suốt cuộc chiến.
Lần này, thông điệp được phát đi rõ ràng hơn, khi Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật được vận chuyển trên một đoàn xe quân sự và đặt ở vị trí sẵn sàng khai hỏa.
"Rõ ràng đây là một nỗ lực nhằm phát thông điệp răn đe bằng hạt nhân", Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Mỹ, cho hay. "Quân đội Nga thậm chí còn làm mờ đầu đạn trên tên lửa đạn đạo Iskander trong video, hành động có vẻ không cần thiết nhưng lại rất gây chú ý".
Heather Williams, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá Nga có thể nhận thấy việc sử dụng "thanh gươm hạt nhân" đang phát huy tác dụng trong nỗ lực răn đe và kiềm chế phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cuộc diễn tập hạt nhân này "cần được coi như nỗ lực nhằm làm nguội những cái đầu nóng" ở phương Tây, khi một số quốc gia NATO đưa ra những tuyên bố và hành động mà Nga coi là "gây bất ổn và hiếu chiến".
"Cuộc diễn tập rõ ràng là một tín hiệu đáp lại những cuộc thảo luận về việc đưa binh sĩ NATO vào Ukraine. Điều quan trọng nhất với Nga hiện nay là phô diễn năng lực cũng như sức mạnh", Nikolai Sokov, thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, nhận định.
Vũ Hoàng (Theo DW, CSIS, Washington Post, Reuters)