Chỉ vài tháng đầu năm 2019, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu bia. Mới nhất ngày 30/4, tài xế xe Mercedes ở Hà Nội tông vào hai phụ nữ trẻ ở hầm chui Kim Liên (Hà Nội), khiến các nạn nhân tử vong tại chỗ. Trước đó vài ngày, một nữ lao công cũng thiệt mạng do bị lái xe đâm trúng trên đường Láng (Hà Nội), hay đoàn người hộ tang ở Bình Định bị tông xe khiến 4 người chết...
Vấn nạn tài xế lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn làm nảy sinh lo ngại: Phải chăng chúng ta bất lực với hành vi này?
Trên thực tế, luật pháp đã có những quy định cụ thể đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia cùng với các mức xử phạt, cao nhất là phạt 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 5 tháng.
Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông từ năm 2018 đến nay cho thấy, số tài xế vi phạm nồng độ cồn lái xe ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2018 có hơn 91.000 tài xế bị xử phạt do uống rượu bia lái xe, nhưng riêng trong 4 tháng đầu năm 2019 có tới 50.000 tài xế bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn...
Một số chuyên gia và người dân cho rằng, tính răn đe và ngăn chặn của công cụ luật pháp chưa đủ mạnh nên tình trạng tài xế uống rượu bia lái xe không có chiều hướng giảm.
Để ngăn chặn tình trạng người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, người dân, cơ quan chức năng cần phải làm gì? Đâu là những khó khăn, vướng mắc của quá trình thực hiện và giải pháp cho từng lĩnh vực, từng đối tượng là gì?
Để giải đáp những câu hỏi này, 10h-12h ngày 7/5, VnExpress tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến với các khách mời là:
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị chủ trì sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính vi phạm giao thông).
Mời quý độc giả đặt câu hỏi với các khách mời tại đây.
VnExpress