Tại cuộc tọa đàm về biện pháp ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông sáng 3/5, ông Khuất Việt Hùng- Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề cập đến vụ tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên đêm 30/4, khiến hai người chết. "Tài xế là người tốt trước khi uống rượu, song sau khi uống rượu gây tai nạn thì một người tốt đã thành kẻ giết người", ông Hùng nói.
Ngoài ra, ông Hùng cho hay vụ tai nạn ám ảnh nhất với ông là một phụ nữ uống rượu gây tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh (TP HCM) làm chết 2 người và nhiều người bị thương. Vụ việc này gây bất ngờ bởi phụ nữ Việt Nam vốn ít khi say rượu.
"Các vụ tai nạn gần đây gây xôn xao dư luận, song nếu so sánh con số hơn 11.400 người chết vào năm 2011 và 8.248 người chết vào năm ngoái thì tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể", ông Hùng nói.
Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhận định, vi phạm nồng độ cồn giảm trong thời gian gần đây do nhận thức của người dân về vấn đề này đã tốt hơn. Năm 2015, khi xây dựng nghị định 171 sửa đổi, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kiến nghị bổ sung chế tài "nếu tái phạm liên quan đến nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện", và cơ quan này đã nhận được rất nhiều "gạch đá" phản đối. Lúc đó cũng có ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe và cũng nhận "gạch đá" không kém.
"Hiện ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với vi phạm nồng độ cồn đã được hoan nghênh, ủng hộ", ông Khuất Việt Hùng nói.
Về xử lý vi phạm nồng độ cồn, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông) nói, đây là việc phức tạp bởi người say thường không kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình. Lực lượng cảnh sát phải ứng xử khôn khéo, cương quyết, linh hoạt để tránh tình trạng tài xế có nồng độ cồn chống lại người thực thi công vụ.
Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp. Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, việc làm của cảnh sát giao thông xét cho cùng "chỉ là phần ngọn". Vấn đề "gốc" là cần kiểm soát bằng pháp luật để khi người tham gia giao thông khi nghĩ đến hình phạt, chế tài, quy định về giấy phép lái xe... sẽ không muốn và không dám vi phạm.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, chế tài trong Luật và nghị định 46 đã rất mạnh, lái xe vi phạm 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu tăng mức phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe hoặc bổ sung các hình phạt khác.
"Chúng tôi ghi nhận ý kiến của người dân, đề xuất hình phạt mà mọi người sợ nhất, không để lái xe gây tai nạn rồi sau đó mới sợ", bà Hiền nói.
Ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) bổ sung thêm, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ nghị định 46 sửa đổi, dự kiến đề xuất tăng mức xử phạt cao nhất lên 20 - 30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
"Việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe", ông Thanh nói.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp thì cho rằng, các nước trên thế giới xử phạt hành chính rất nghiêm để ngăn chặn, phòng ngừa từ xa việc sử dụng rượu bia, chất kích thích; Việt Nam nên tiếp thu và học tập. "Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp chúng ta có thể áp dụng", ông nói.
Với góc nhìn của người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Ôtô+, cho rằng "cần có chế tài đủ sức răn đe, tại sao Việt Nam chỉ phạt 16 - 18 triệu đồng, trong khi lái xe uống rượu ở nước ngoài người có thể bị đi tù".
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.