-
Quy hoạch cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Trả lời các câu hỏi về việc "giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn là điểm nghẽn", Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói khu vực này hiện có 21 cảng, cảng lớn nhất chỉ phục vụ cho tàu 20.000 tấn nên đa số hàng hoá phải vận chuyển lên TP HCM.
Theo ông, để phát triển, đồng bằng sông Cửu Long cần có một cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông kết nối. Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác.
Ngoài ra, trong quy hoạch, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng Trần Đề cũng sẽ được xây dựng, kết hợp với cao tốc TP HCM - Cần Thơ tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, giúp cảng đưa hàng hoá xuất nhập ra nước ngoài.
"Chúng tôi nghĩ dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ", ông Thể nói.
-
Đang đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trả lời chất vấn về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định.
Quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm, vì thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là hai việc khác nhau. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành.
Hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống. "Bộ Giao thông Vận tải đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó tư vấn Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống. Nếu tổng thầu cung cấp thông tin không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống", ông Thể nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đang cùng tổng thầu, đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống; khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này.
-
"Bộ Giao thông Vận tải không né tránh kiểm toán các dự án BOT"
Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình nhắc tới kết quả kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí các dự án này. "Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của các dự án này không; có lợi ích nhóm ở đây hay không?", ông Phương chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ Giao thông Vận tải rất trân trọng sự giúp đỡ của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cũng đã chủ động mời kiểm toán Nhà nước vào cuộc tại các dự án BOT. Hiện 100% dự án BOT đã được kiểm toán.
Về việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí tại các dự án BOT, ông Thể cho biết đã từng giải trình với Quốc hội ở kỳ họp trước. Nói rõ thêm, ông cho hay, theo quy định pháp luật, ở giai đoạn dự án được phê duyệt thì cơ quan quản lý sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong dự án mới quyết toán và căn cứ vào khối lượng quyết toán thực tế sẽ điều chỉnh hợp đồng. "Hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí", ông nói.
Vì thế, nếu Kiểm toán Nhà nước căn cứ vào hợp đồng phê duyệt thì sau này công tác giải phóng mặt bằng, khối lượng phát sinh sẽ không đúng thực tế. "Kiến nghị giảm 222 năm đúng, nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán giảm, chứ không phải như số liệu của Kiểm toán", ông Thể giải thích thêm.
Chưa hài lòng, ông Phương tranh luận lại và cho rằng, việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời "không né tránh Kiểm toán Nhà nước tại các dự án BOT và chủ động mời cơ quan kiểm toán vào cuộc là chưa chính xác, do ông đang ngồi cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước".
Ông Phương nói, Bộ Giao thông Vận tải chỉ mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán 3 dự án là hầm Đèo cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Còn trước đó Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng tình với ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư là không kiểm toán các dự án BOT giao thông.
-
Vì sao nhiều dự án đường sắt đô thị đội vốn?
Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chất vấn "trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng?".
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho hay, mỗi dự án đều có chủ đầu tư, vừa qua thanh tra Bộ thanh tra tất cả dự án được phản ánh về chất lượng, các cơ quan chức năng khác cũng vào cuộc.
Việc dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời; còn trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đều được xử lý nghiêm, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Nhiều công trình đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008; trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá 49%... Trước sự quan tâm của dư luận, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Ở góc độ Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi điều chuyển một số giám đốc ban quản lý dự án, kiểm điểm cuối năm xếp loại một số ban quản lý chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ dù được đề nghị hoàn thành tốt", ông Thể nói.
Giơ biển tranh luận, ông Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Thể "còn tránh né". Theo ông, ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỷ đồng; dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỷ đồng; dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỷ đồng... "Rất nhiều dự án chứ không riêng dự án đường sắt đô thị mới độ vốn và các dự án này được nêu rất rõ trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng nên kiểm tra lại", ông nói và đề nghị, phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát, xử lý nghiêm để răn đe.
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 3 dự án ông Cầu vừa nêu thì có 2 dự án do địa phương quản lý. Nhìn chung các dự án đường sắt đô thị vượt tổng mức đầu tư số lượng lớn, còn dự án "vượt mức đầu tư vài chục tỷ, vài trăm tỷ thì được nêu trong báo cáo Kiểm toán". Tiếp thu ý kiến của đại biểu Cầu, song Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, căn cứ vào kết quả Kiểm toán Nhà nước, các địa phương, Bộ, ngành, chủ đầu tư dự án rà soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân "do chủ quan mà vi phạm".
-
Rút giấy phép trung tâm kiểm định sai phạm
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải thích mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp trong đăng kiểm xe và đảm bảo an toàn hành khách, phương tiện. "Đây có phải là nguyên nhân chính dẫn tới tồn tại trong quản lý phương tiện?", bà Thuỷ hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, hiện hầu hết các trung tâm kiểm định xe ở địa phương đã kết nối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình kiểm định xe. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm và rút giấy phép trung tâm kiểm định sai phạm; thực tế vừa qua có trung tâm kiểm định ở Bắc Giang đã bị rút giấy phép.
-
Thu phí tự động không dừng sẽ hoàn thành cuối năm 2019
Đại biểu Trương Minh Hoàng chất vấn về thu phí không dừng, "vì sao tới giờ vẫn khó thực hiện, mới triển khai đạt 30% trên toàn quốc?".
Bộ trưởng Thể cho hay, hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ Giao thông Vận tải chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai.
Giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.
Theo ông, bất cập hiện nay là việc dán, nộp tiền vào thẻ còn hạn chế; do chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống nên các trạm thu phí đã triển khai thu phí không dừng vẫn phải kết hợp thu phí thủ công. "Vẫn còn tâm lý thu phí tự động cũng được, thủ công cũng được nên lái xe dù dán thẻ cũng không nộp tiền và thường chọn nộp tiền trực tiếp", ông Thể nói.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ ban hành chỉ đạo, tới cuối 2019 bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ thu phí không dường, chưa nộp tiền vào thẻ sẽ phải đi vào làn thu tiền thủ công. Mỗi trạm bố trí 2 làn thu phí thủ công. "Nếu phương tiện nào không chấp hành thì phải xếp hàng, xếp hàng 5-10 km cũng phải xếp hàng, không được quyền đi vào làn thu phí tự động", ông nhấn mạnh.
Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước về liên thông tài khoản thẻ với tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tài xế.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...
Hệ thống thu phí không dừng giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, cơ quan quản lý có thể giám sát số thu và lượng xe tại các trạm BOT. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số xe giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông...
-
Sử dụng xe quá khổ, quá tải là "hành vi phá hoại tài sản nhà nước"
Trước phản ánh của đại biểu về xe quá khổ, quá tải làm hư hại đường xá, Bộ trưởng Thể nói "việc này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị".
Theo ông, Bộ Giao thông Vận tải có cục đăng kiểm và các đơn vị chức năng khác để đảm bảo tất cả xe phải đúng kích thước quy định, nhưng thực tế sau khi đăng kiểm, một số chủ xe đã dùng hộp, thùng cơi nới nên xe trở thành quá khổ.
"Việc này xảy ra sau đăng kiểm và ở địa phương nên Bộ không kiểm soát được. Chúng tôi đã giao thanh tra Bộ cùng các địa phương tăng cường kiểm tra", ông Thể nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc sử dụng xe quá khổ, quá tải là hành vi phá hoại tài sản nhà nước, vì những xe này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mặt đường.
-
Tăng chế tài với tài xế vi phạm nồng độ cồn
Dẫn thống kê về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "không phải lái xe mới gây tai nạn, mà thường rơi vào tài xế đã có thâm niên 8-10 năm".
Do vậy, theo ông, cùng với việc tăng cường đào tạo sát hạch lái xe, Bộ Giao thông Vận tải chủ trương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, chủ xe, lái xe, nhất là tình trạng sử dụng bia, rượu, chất kích thích của lái xe. Bộ Giao thông Vận tải đang sửa đổi quy định chế tài với tài xế vi phạm nồng độ cồn theo hướng tăng nặng mức xử phạt.
-
"Thiết kế bài thi bằng lái xe ô tô có tình huống vi phạm là rớt ngay"
Trả lời chất vấn đại biểu Ma Thị Thuý về việc đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo cục đăng kiểm, thanh tra Bộ đến kiểm tra các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành của học viên ở các trung tâm; tăng độ khó của đề thi.
"Chúng tôi đưa ra một số tình huống thi để học viên không làm đúng có thể rớt ngay, ví dụ như xe vượt đèn đỏ có ký hiệu đường sắt, học viên mắc lỗi trong tình huống này thì cho rớt ngay vì trong thực tế nếu mắc lỗi sẽ gây hậu qủa nghiêm trọng. Bộ cũng cố gắng cải tiến công tác đào tạo, sát hạch để lái xe sau khi nhận bằng sẽ tham gia giao thông tốt", ông Thể nói.
-
"Hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập"
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói, do điều kiện ngân sách hạn chế, dù các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, không đảm bảo được ở một số vùng miền. Với nguồn vốn được giao, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Chính phủ thực hiện các dự án trọng điểm.
Ông Thể cũng thông tin, niều năm qua, tai nạn giao thông đã kiểm soát tốt hơn song vẫn ở mức cao, số vụ, số người chết, bị thương còn nhiều. Đây là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng người dân.
"Ngành giao thông sẽ cố gắng phát triển hạ tầng, tăng cường quản lý vận tải, nhưng nhu cầu lớn, khả năng có hạn. Tôi xin trân trọng lắng nghe ý kiến và trả lời câu hỏi của đại biểu", ông Thể nói.