Trong báo cáo gửi Quốc hội trước phiên chất vấn sáng nay 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ tiếp tục kéo dài.
Dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; 99% vật tư, thiết bị đã chuyển đến công trường; lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
"Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo.
Các vướng mắc cụ thể được người đứng đầu ngành giao thông nêu ra là: Chưa thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng...
"Bộ Giao thông Vận tải đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện", ông Thể cam kết.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu những dự án chậm tiến độ, tăng mức đầu tư khác như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ ở các dự án trên do "đây đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện". Đồng thời, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.
Các tư vấn tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm về quy trình, thủ tục ở Việt Nam. "Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu", Bộ trưởng Thể phân tích.
Bên cạnh đó, việc kéo dài dự án là một trong những nguyên nhân dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do biến động giá của nguyên vật liệu, mức lương tăng...
"Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư", Bộ trưởng Thể thừa nhận.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể bắt đầu từ 9h sáng hôm nay 5/6 với các nhóm vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Ông cũng dự kiến trả lời về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác. Tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017.
Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.