Thứ năm, 25/4/2024
Thứ sáu, 12/5/2017, 13:35 (GMT+7)

Nhận biết hoa quả nhập khẩu biến đổi gen bằng mã số

Trái cây có dán mã 5 chữ số, bắt đầu với số 8 (84011) là các sản phẩm biến đổi gen (GMO) còn khởi đầu là số 9 được trồng theo phương pháp hữu cơ...

Trái cây là một trong những mặt hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam. Các loại trái cây này hầu hết có xuất xứ cụ thể và được dán tem nhãn với các con số như #4030, #4033 hay #3107… Những con số này được gọi là Price Look-up codes, gọi tắt là mã PLU. Chúng cho biết một số thông tin về quá trình trồng mà qua đó, người tiêu dùng có thể tự đánh giá và đưa ra quyết định chọn mua.

polyad

Mã dán trên trái cây nhập khẩu cung cấp nhiều thông tin về loại trái cây đó. Ảnh: Kohilag.

Tiến sĩ Frank Lipman, người sáng lập, Giám đốc Eleven Eleven Wellness Center tại New York, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về thực phẩm giải thích, mã trái cây có 3 loại khác nhau.

Những con số thể hiện trên 3 loại mã đó sẽ cho biết trái cây được trồng theo cách thông thường, theo phương pháp hữu cơ hay biến đổi gen.

Theo đó, nếu trên loại trái cây có dán mã 4 chữ số, thường bắt đầu với số 3 hoặc 4 (ví dụ 4020), có nghĩa là được trồng theo phương pháp thông thường (Conventionally Grown). Điều đó đồng nghĩa với việc chúng đã trải qua quá trình canh tác có sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

polyad

Mã 4 chữ số bắt đầu bằng số 4 cho biết loại trái cây này được trồng theo phương pháp thông thường. Ảnh: naturallifeenergy.

Trong khi đó, mã có 5 chữ số và bắt đầu với số 9 (ví dụ 94011) cho biết sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ (Organically grown). Còn trái cây có dán mã 5 chữ số nhưng bắt đầu với số 8 (84011) thì là sản phẩm biến đổi gen (GMO).

Các loại trái cây có thể có chung mã số nếu chúng được trồng theo cùng một phương pháp, có chung chất lượng, đặc điểm, bất kể địa điểm trồng là nơi nào. Ví dụ, chuối tại Leeds có thể có cùng mã 4011 với một quả chuối khác có nguồn gốc từ Texas nếu chúng cùng được trồng theo cách thông thường.

Các mã code PLU được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm (International Federation for Produce Standards - IFPS). Đây là tổ chức toàn cầu phân phối mã code cho tất cả sản phẩm trái cây lưu thông trên toàn thế giới.

Các mã code này đã được sử dụng từ năm 1990, giúp việc kiểm tra và quản lý tại các siêu thị trở nên chính xác và nhanh chóng hơn. Mã PLU được xác định dựa trên nhiều yếu tố như chủng loại, đặc điểm của trái cây, phương pháp trồng và kích cỡ. Hiện nay, có hơn 1.400 loại trái cây đã được gắn mã PLU trên toàn thế giới.

Thu Hà

Chia sẻ bài viết qua email