Chủ nhật, 1/12/2024
Thứ ba, 7/2/2017, 15:20 (GMT+7)

Hơn chục năm nuôi giống cá xứ Tây tại Việt Nam

Sapa, Đà Lạt là những địa điểm đầu tiên phát triển thành công giống cá hồi ưa lạnh nổi tiếng trời Tây. Hiện, cá hồi trở thành đặc sản thu hút nhiều khách du lịch, đồng thời, mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Cá hồi vân (cá hồi ráng) là giống cá xứ lạnh có nguồn gốc ở phía Tây Bắc nước Mỹ, được du nhập vào nước ta từ những năm 2005. Loài cá này sống trong môi trường nước động, nhiệt độ thấp, thường tự chết sau khi ngược dòng để đẻ trứng, nên sự có mặt của chúng ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ngoài ra, thịt cá hồi vân là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, do vậy, giá bán của chúng luôn ở mức cao.

Nhận thấy đây là loại cá có thể phát triển tại một số khu vực điều kiện khí hậu đặc biệt, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chính phủ Phần Lan, tiến hành thử nghiệm dự án nuôi cá hồi tại vùng Thác Bạc, Sapa (Lào Cai). Đầu năm 2006, viện công bố dự án thành công, đồng thời đưa những con cá hồi đầu tiên được nuôi tại chân đỉnh Fansipan ra thị trường. Sau đó, cá hồi tiếp tục được đưa vào nuôi thả tại Đà Lạt - khu vực có khí hậu ôn đới, phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cá… 

polyad

Cá hồi trở thành đặc sản nổi tiếng, mang lại thu nhập cao cho người dân các vùng Sapa, Đà Lạt. Ảnh: Bizmedia.

Để có những con cá hồi thương phẩm đạt tiêu chuẩn, quy trình nuôi phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp. Đầu tiên, trứng đã thụ tinh được nhập khẩu về để ấp nở; sau đó là công đoạn ươm giống rồi đưa ra hồ nuôi thương phẩm.

Trong suốt quá trình này, người nuôi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe về nhiệt độ và độ sạch của nước. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu phương pháp nuôi cá trong ao nhân tạo với thiết kế 2 đầu cấp và thoát nước liên tục, tạo ra dòng chảy tự nhiên. Cách này vừa giúp ao có nguồn nước sạch, đồng thời, hạn chế sự tồn đọng các chất thải.

Ao nuôi được thiết kế hình lòng chảo để tạo độ lắng cho các chất cặn và tiện lợi khi vệ sinh. Người dân cũng tận dụng nguồn nước lạnh tự nhiên từ khe suối, thác… dẫn về ao qua các ống nối. Dòng nước này sẽ chảy qua một hệ thống bể lọc để loại bỏ tạp chất.

Nuôi thành công cá hồi vân xứ lạnh tại Việt Nam
 
 

Cận cảnh quá trình nuôi thả cá hồi tại Sapa. 

Việc áp dụng thành công công nghệ nuôi cá nước lạnh mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho các vùng thực hiện dự án. Trong đó, ở Sapa, sản lượng cá hồi đạt 700-800 tấn mỗi năm, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, ngoài Sapa, Đà Lạt, một số địa phương khác như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang cũng đang tìm hiểu và triển khai mô hình này.

Để giảm thiểu việc lệ thuộc vào các nguồn cung giống từ nước ngoài, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cũng bắt tay vào nghiên cứu nuôi thả cá hồi cái để thu được trứng cá hồi giống và trứng cá hồi thương phẩm. Điểm đặc biệt là cá hồi vân nuôi tại nước ta có buồng trứng và tinh sào phát triển tốt. Đây là một dấu hiệu khả quan, mở ra nhiều cơ hội mới cho nghề nuôi cá nước lạnh trong tương lai.

Thu Nga

Chia sẻ bài viết qua email