Video hiện trường vụ tai nạn.
Khoảng 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 chở hơn 400 hành khách hành trình từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã tông vào xe ben chở đá biển Nghệ An đang băng qua đường ngang.
Sau cú đâm tạo tiếng động rất mạnh, đoàn tàu tiếp tục lao về phía trước, đẩy xe tải đi vài chục mét. Đầu máy sau đó đứt rời khỏi đoàn tàu, lộn nhiều vòng xuống mương nước cạnh đường ray và nằm nghiêng.
6 toa khác gồm 2 toa hành lý và căng tin, 4 toa hành khách bật khỏi đường ray. Một số hành khách bị bắn khỏi toa tàu. Hàng trăm người khác trong hai toa ghế ngồi phía đầu tàu phải lần mò trong đêm tìm lối ra.
2 người chết, 10 người bị thương
Tại hiện trường, xe ben nằm cách đường ngang hơn 10 m, đầu máy và 6 toa tàu văng khỏi đường ray. Một trụ barie cùng các thiết bị đường sắt bị húc bẹp dúm. Khoảng 150 m đường ray hư hỏng nặng. 9 toa xe khác đã được kéo về ga Khoa Trường, cách vị trí xảy ra tai nạn khoảng một km về phía Bắc.
Hai lái tàu SE19 bị mắc kẹt trong khoang tàu và tử vong là Nguyễn Thế Hùng (42 tuổi, quê Thái Bình) và Nguyễn Xuân Đệ (33 tuổi,quê Hưng Yên). Đến hơn 7h, lực lượng cứu hộ khoan cắt đầu tàu để đưa hai thi thể ra ngoài.
9 người trên tàu bị thương, gồm 6 hành khách, 3 nhân viên tàu, được chuyển đến cấp cứu ở bệnh viện Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó, một người thương tích nặng được chuyển về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tài xế xe tải nguy kịch.
Hành khách trên tàu SE19, trong đó có nhiều người nước ngoài, được vận chuyển về ga Khoa Trường bằng xe khách để tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng.
Nạn nhân bị bắn khỏi toa tàu
Nằm điều trị tại khoa chấn thương (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An), chị Phan Thị Vân Anh (42 tuổi, trú tại TP Vinh) cho hay, chồng chị là anh Thái Anh Tuấn (41 tuổi), nhân viên phục vụ trên tàu SE19. Ngày 23/5, chị ra Hà Nội khám bệnh và về cùng chuyến tàu với chồng.
Tàu xuất phát tại ga Hà Nội lúc 20h10 ngày 23/5, tới hơn 0h sáng trong lúc vợ chồng chị Vân Anh ngồi tại toa ăn uống cùng khoảng 9 người khác thì bất ngờ một tiếng động đinh tai vang lên. Chị Vân Anh bị bay khỏi tàu, văng xuống hố bùn cách đường ray vài mét.
"Cơ thể đau nhức, tôi nghe tiếng kêu cứu của chồng cách đó vài mét. Cố lết lại gần, tôi thấy anh bị toa tàu đè lên, một cẳng chân dập nát. Phía trong toa, nhiều người khóc thét, kêu cứu. Xung quanh trời tối om", chị Vân Anh kể lại.
Lực lượng cứu hộ phải mất một giờ mới đào bới, nhích toa tàu lên để kéo anh Tuấn ra ngoài. Toa tàu nơi vợ chồng chị Vân Anh gặp nạn có cửa sổ kính và lưới, song chị không nhớ lúc đó mình và chồng bị bay ra ngoài như thế nào.
Tạm giữ 2 nhân viên gác chắn
Khu vực tai nạn là đường ngang dẫn vào mỏ sét Trường Lâm và có rào chắn. Ông Nguyễn Hồng Sơn, trưởng tàu SE19 cho hay, trước khi xảy ra tai nạn ông không nhận được thông báo khẩn cấp về việc có vật cản trên đường ray.
Hiện trường cho thấy, 3 trong 4 trụ barie ở giao cắt vẫn lành lặn. Chỉ một trụ gần với vị trí xe tải bị tông bẹp dúm. Nhiều hành khách tàu SE19 cũng cho biết barie hai bên đường ray không hề đóng khi tàu chạy qua.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ hai nhân viên gác chắn để làm rõ nghi vấn rào chắn không được đóng trước khi tàu chạy qua. Hàng chục cảnh sát đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân tai nạn.
Hai xe cẩu, một xe đường bộ và một xe chuyện dụng của đường sắt được điều đến. Hàng trăm nhân viên cứu hộtập trung cắt rời các toa tàu bị lật để giải phóng hiện trường, khôi phục nền đường.
Đường bộ qua xã Trường Lâm đã được thông tuyến, nhưng đường sắt Bắc Nam vẫn tê liệt. "Dự kiến 10h, toa bị lật được di chuyển ra bên cạnh, để khôi phục nền đường sắt và thông tuyến", ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội cho biết.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đang công tác tại miền Trung đã tới hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới Thanh Hóa thăm hỏi nạn nhân gặp nạn.
9 đoàn tàu khách bị ảnh hưởng
Do đường ray hỏng nặng, hiện chưa thể xác định khi nào khôi phục để thông tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo hôm nay 7 chuyến tàu Bắc - Nam với hơn 2.220 khách sẽ được chuyển tải bằng đường bộ qua Thanh Hóa.
Trong đó, hướng Hà Nội - Sài Gòn có các mác tàu SE19, SE1, QB1, NA1 với tổng số 1.420 hành khách; hướng Sài Gòn - Hà Nội có các mác tàu SE2, SE4, SE20 với tổng số 800 hành khách.
Ngoài ra, ngành đường sắt bãi bỏ tàu SE36 chạy tuyến Vinh - Hà Nội, hành khách được chuyển sang tàu SE6, dự kiến đến Vinh lúc 13h hôm nay. Tàu QB2 từ Quảng Bình đi Hà Nội bị bãi bỏ, khách được chuyển sang tàu SE2.
Phó thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ lật tàu SE19
Trong công điện ban hành trưa nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, yêu cầu cơ quan chức năng huy động điều kiện tốt nhất để cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong.
Công an tỉnh Thanh Hóa được chỉ đạo khẩn trương điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo Bộ Công an và đề nghị Bộ hỗ trợ. Công an địa phương có đường sắt đi qua cần tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Bộ Giao thông Vận tải được chỉ đạo khẩn trương rà soát toàn bộ điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, có biện pháp cảnh giới an toàn cho tất cả đường ngang, kể cả lối đi dân sinh.
Vụ lật tàu SE19 là tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Trước đó tối 6/2/2011, tàu SE2 chạy hướng Nam - Bắc, khi qua cầu Ghềnh (Đồng Nai) đã đâm vào ôtô chạy ngược chiều làm hai người chết, 22 người bị thương. Nguyên nhân là nhân viên gác chắn đã không hạ barie kịp thời.