Gần đây, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC ghi nhận lượng khách tiêm vaccine cúm tăng 50% so với các tháng trước đó. Khách đi tiêm cúm đa dạng, từ người lớn tuổi có bệnh nền cho đến trẻ em.
Ông Nguyễn Văn Lợi (75 tuổi, ngụ quận 6), cho biết vợ chồng đã duy trì tiêm nhắc cúm trước tháng 10 được 2 năm. Ông cho biết tháng 10 thường là thời điểm giao mùa, dễ mắc cúm, vì vậy muốn phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vợ chồng cũng tranh thủ tiêm thêm một số loại vaccine khác như vaccine phế cầu, vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván.
Còn với gia đình bé Tuyết Kỳ (4 tuổi), tháng 8-9 hàng năm là thời gian định kỳ để tiêm nhắc cúm. Mẹ bé cho biết gia đình thường phải đi công tác, do đó duy trì tiêm cúm để bé kịp tạo đủ kháng thể nếu phải di chuyển vào cuối năm.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho biết mùa đông ở miền Bắc vào các tháng 10-11-12 thuận lợi cho cúm tồn tại lâu hơn ở môi trường bên ngoài. Còn tại miền Nam, virus cúm lưu hành quanh năm, có thể tăng nhẹ vào những tháng 4-6 và lúc chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.
Bên cạnh đó, thống kê về bệnh cúm công bố năm 2022 trên tạp chí The Lancet cho thấy tỷ lệ ca mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700 trên 100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới, dẫn tới tỷ lệ bệnh nặng và nhập viện cũng ở mức cao. Đầu tháng 9, Lào Cai thống kê hơn 2.700 ca mắc cúm trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm. TP HCM cũng ghi nhận chùm ca cúm học đường khiến nhiều học sinh phải nghỉ học vào cuối tháng 3.
Theo bác sĩ Nghĩa, cúm có thể tự khỏi sau 4 đến 7 ngày mắc bệnh song nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, người có bệnh nền mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, suy thận, phụ nữ mang thai. Cúm còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm các tác nhân nguy hiểm khác như phế cầu, tiến triển nặng bệnh đồng mắc hoặc bệnh nền có sẵn.
"Do vậy, người dân có thể tiêm cúm vào bất kể lúc nào trong năm. Việc tiêm trước tháng 10 cũng là thời gian hợp lý, giúp nhiều người giữ sức khỏe để hoàn thành công việc trong mùa cao điểm cuối năm", bác sĩ Nghĩa nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết các chủng cúm thay đổi theo năm. Do đó, một mũi tiêm vaccine cúm không có tác dụng bảo vệ trọn đời, mọi người cần tiêm nhắc hàng năm.
Nhật Linh
Gần 130 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang có khoảng 40 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn, bao gồm các vaccine cúm. Trong đó, vaccine Vaxigrip Tetra (Pháp), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Influvac Tetra (Hà Lan) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng; vaccine Ivacflu-S (Việt Nam) tiêm cho người lớn từ 18 tuổi. Đây là các vaccine bất hoạt, có tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm.
Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống GSP đạt chuẩn quốc tế và dây chuyền lạnh (cold chain). Người dân đến tiêm sẽ được nhắc lịch miễn phí qua điện thoại mỗi năm để tránh bỏ lỡ lịch tiêm.