Thống kê trong "Sách trắng về nhân tài trong ngành vi mạch tích hợp của Trung Quốc" công bố vào năm 2020 cho thấy, tính đến cuối 2019, nhân sự làm việc trong ngành vi mạch tích hợp cán mốc 511.900 người, tăng 11,04% so với năm 2018. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp liên quan đến mạch tích hợp năm 2019 chỉ có 200.000 người, chiếm 2,39% trong số 8,34 triệu sinh viên mới tốt nghiệp.
Nhu cầu mở rộng thị trường tăng đột biến trong khi nhân sự thiếu trầm trọng khiến các công ty chip Trung Quốc phải cạnh tranh để lôi kéo nhân tài. Điều này kéo theo lương của các kỹ sư Trung Quốc ngày càng cao.
"Sau khi công ty gọi vốn thành công, việc đầu tiên là phải đào tạo con người. Chỉ có đội ngũ nhân sự giỏi mới giúp tổ chức tiếp tục phát triển và huy động thêm nhiều tiền", Zhang Shan, nhà sáng lập của một công ty chip nói. Zhang cho biết, việc nhiều công ty chip cùng mọc lên trong thời gian ngắn khiến họ buộc phải bứt phá để vượt xa đối thủ, trước khi thị trường bước vào giai đoạn "gạn đục khơi trong". Vì vậy, tìm kiếm nhân sự giỏi và đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn là mục tiêu sống còn của các công ty chip thời kỳ này.
Li Si, quản lý nhân sự trong một công ty khởi nghiệp, cho biết: "Trước đây kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch tích hợp chỉ sở hữu mức lương tầm trung. Nhưng cơn sốt của ngành chip đã khiến lương trung bình tăng lên chóng mặt. Nhiều công ty chấp nhận chi trả mức lương cao ngất ngưởng để tranh giành nhân sự".
Wang Wu, một kỹ sư AI, tiết lộ mức lương của một người thiết kế kiến trúc với ba năm kinh nghiệm hoặc học hàm thạc sĩ là 500 - 750 nghìn nhân dân tệ (1,7 - 2,6 tỷ đồng) mỗi năm, kèm theo cổ phiếu tuỳ thương lượng. "Nếu ký hợp đồng dài hạn từ 5 đến 8 năm, mức lương có thể lên đến 1,1 triệu nhân dân tệ (3,8 tỷ đồng)", Wang Wu tiết lộ. Mức lương của thạc sĩ có hai năm kinh nghiệm trở lên khoảng 800 - 900 nghìn nhân dân tệ (2,8 - 3,1 tỷ đồng) mỗi năm. Nếu là giám đốc tay nghề cao, mức lương khởi điểm của thị trường là 1,3 đến 1,5 triệu nhân dân tệ (4,5 đến 5,2 tỷ đồng) một năm, kèm cổ phiếu.
Những người làm lâu năm trong ngành nhân sự công nghệ đánh giá cơn sốt chip đã đưa các kỹ sư chip vào thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp. Các công ty liên tục đưa ra mức lương cao ngất ngưởng để giành giật nhân tài, bất chấp mức lương trung bình đã cao hơn rất nhiều so với các ngành khác.
"Trước đây khi thoả thuận với nhân sự ngành chip, chúng tôi nói chuyện rất chân thành, chi tiết. Nhưng giờ đây, nhiều kỹ sư đưa ra giá cao ngất trời, không thể chấp nhận được", Qian Liu, Giám đốc nhân sự một công ty sản xuất chip nổi tiếng của Trung Quốc nói. Qian cho rằng thị trường chip không quá lớn, cơ bản các công ty nhân sự đều nắm rõ lý lịch từng ứng viên, nhưng việc khan hiếm nhân sự đã khiến thị trường không còn tuân theo những quy tắc thông thường.
Qian Liu nhận thấy nhiều kỹ sư thậm chí có những kế hoạch, mục đích rất rõ ràng trong kế hoạch nghề nghiệp. Đứng ở vị trí quản lý nhân sự lâu năm, ông tin rằng đây là lựa chọn đúng đắn của các tài năng trong lĩnh vực vi mạch tích hợp. Họ có quyền đưa ra những yêu cầu tưởng như không thể trong bối cảnh hiện tại.
Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty vi mạch tích hợp nói rằng mức lương của một kỹ sư chip trong nước với vài năm kinh nghiệp đã vượt quá mức lương của một "kỹ sư lão làng" người Nhật. Nhưng khoảng cách về trình độ của cả hai rõ ràng rất lớn.
"Đây không còn là vấn đề cạnh tranh giữa các công ty. Nó là chính sách cấp quốc gia, các công ty chip buộc phải tăng tốc mà nếu không có nhân tài thì không thể làm được gì. Điều quan trọng là sau mức đãi ngộ cao ngất ngưởng đó, các kỹ sư sẽ đóng góp được gì và công ty làm sao phải khai thác tối đa tài năng, trí tuệ này cho đất nước", vị này nói.
Tại sự kiện ICCAD 2020 (Hội nghị quốc tế về thiết kế hỗ trợ máy tính), Wei Shaojun, Chủ tịch Chi nhánh Thiết kế Vi mạch của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc cho biết, số lượng công ty chip của nước này đã tăng đáng kể, từ 1.780 công ty trong năm 2019 lên 2.218 công ty trong năm 2020, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng các công ty chip của Trung Quốc đã duy trì số lượng tăng trưởng ổn định. Điều này đến từ hai yếu tố, trong nước chính phủ nước này tăng cường các chương trình xúc tiến, phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử. Bên ngoài, Mỹ liên tục gây áp lực lên các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như ZTE, Huawei, buộc các công ty trong nước phải tự chủ nguồn cung, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.
Các công ty chip nở rộ trong thời gian ngắn khiến làn sóng hồi hương của các nhân tài vi mạch tăng cao trong khi nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Theo tính toán của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, trung bình một vị trí liên quan đến vi mạch tích hợp sẽ tạo ra 4,89 cơ hội việc làm. Như vậy trung bình mỗi năm, ngành chip Trung Quốc sẽ tạo ra 2,5 triệu việc làm mới.
Khương Nha (theo Sina)