Đề nghị của nữ công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, HTX Mây tre lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP HCM, về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội mở màn cho cuộc đối thoại gần ba giờ giữa Thủ tướng cùng lãnh đạo sáu bộ, ngành sáng 12/6, tại Bắc Giang và các điểm cầu.
Chị Hà nêu thực trạng Luật còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân 40-45 tuổi. Chị đề nghị Chính phủ sớm sửa luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế rút BHXH một lần.
"Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì về già không có lương hưu, nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút", chị nói.
Giải đáp câu hỏi của nữ công nhân, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Hơn 16 triệu người trong đó đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ tham gia rất thấp.
Tình trạng người dân rút BHXH một lần thời gian qua là không tốt, gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh. Ông cho rằng trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và để hạn chế rút BHXH một lần thì cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu.
"Dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được", ông Dung nói, dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Luật sửa đổi cũng sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia BHXH dài hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đối sổ bảo hiểm xã hội.
Về quá trình xây dựng luật Bảo hiểm xã hội có những điều chưa theo kịp thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói mọi chính sách không thể bao hết các khía cạnh của cuộc sống. Song với tinh thần tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã nghiên cứu, trình Thường vụ Quốc hội đưa dự luật sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.
Khảo sát của VnExpress trên 26.500 độc giả cho kết quả 7% đồng tình đóng BHXH tối thiểu 20 năm vì còn phải cân đối Quỹ Hưu trí; 48% đồng tình giảm xuống 15 năm, khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, không nên nghỉ hưu quá sớm và 45% cho rằng cần giảm xuống 10 năm để tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu.
Đến hết năm 2021, cả nước có hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH, bao phủ 33,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (15,1 triệu người khu vực bắt buộc và 1,45 triệu người khu vực tự nguyện); hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, bình quân người tham gia BHXH đóng trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%.
Hồng Chiêu