Ngày 1/6, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được nghiên cứu theo hướng khuyến khích lao động tham gia đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Dự luật cũng bổ sung quy định người đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không nhận một lần thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn, mức trợ cấp cao hơn.
Vụ phó Bảo hiểm xã hội chưa tiết lộ cụ thể nội dung sửa đổi bởi dự luật đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng, song khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách BHXH một lần và "không có chuyện hạn chế người hưởng", bởi đây là quyền lợi người lao động nên không thể ngăn cản. Trường hợp người rút đông, hệ thống quá tải thì cơ quan bảo hiểm phải bố trí thêm người giải quyết.
Về việc một bộ phận lao động mong muốn đóng lại tiền BHXH đã rút một lần để nối tiếp thời gian tham gia BHXH, ông Nam cho biết luật hiện hành không có quy định hoàn trả. Dự thảo luật không đề cập tới song cơ quan soạn thảo ghi nhận phản ánh và sẽ tính toán thêm. "Nếu cho rút rồi trả lại sẽ khó khăn cho cơ quan thực hiện nên người lao động cần nghĩ kỹ trước khi rút", ông khuyến cáo.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dẫn khảo sát của công đoàn cùng với tổ chức xã hội cho kết quả rút BHXH một lần thường xảy ra ở nhóm đóng BHXH dưới 10 năm. Có tới 61% công nhân trả lời sẵn sàng rút khoản một lần mà không phân vân; 31% kiên quyết không rút và gần 8% không có ý kiến gì. Gần 57% công nhân ở khu vực phía Bắc có ý định rút BHXH một lần trong khi ở miền Trung và Nam tỷ lệ này hơn 68%.
"Ngoài yếu tố văn hóa vùng miền, thói quen tích lũy thì thu nhập thấp, bấp bênh và không có niềm tin vào chính công việc mà mình đang làm là những lý do khiến người lao động dễ rút BHXH một lần", ông Hiểu nói.
Về đề xuất siết điều kiện hưởng, cho rút 8% phần lao động đóng, còn 14% chủ sử dụng đóng thì nên bảo lưu, ông Hiểu lo ngại công nhân có thể không đồng ý, thậm chí đình công và nhắc lại việc lao động phía Nam ngừng việc tập thể phản đối Điều 60 khi Luật Bảo hiểm xã hội còn chưa thông qua vào năm 2015.
Thiết kế chính sách hiện nay phù hợp với lao động khu vực hành chính, làm việc 8 tiếng mỗi ngày, còn công nhân trực tiếp sản xuất thường phải tăng ca, mệt mỏi sau khi rời nhà máy, tiết kiệm tiền mua từng mớ rau, con cá. Lao động ngành dệt may, da giày, điện tử... khoảng 40 tuổi dễ bị chấm dứt hợp đồng. Người lao động thấy đóng 20 năm BHXH hưởng lương hưu thì khó mà kiên trì theo đuổi.
Khi chọn rút BHXH một lần, theo ông Hiểu, người lao động cũng đã nâng lên đặt xuống và lựa chọn phương án nào nhiều tiền hơn. Thậm chí các nhà máy chỉ cần trả lương chênh nhau vài trăm nghìn, công nhân sẵn sàng nhảy việc, dù biết thay đổi môi trường lao động, thuê nhà xa hơn. Cơ quan chuyên môn cần hiểu tâm lý này để thiết kế chính sách cho phù hợp, tuyên truyền hiệu quả trước, trong, sau khi luật sửa đổi ban hành và đi vào cuộc sống.
Lãnh đạo công đoàn nhấn mạnh BHXH không thể đứng riêng lẻ mà phải đi kèm chính sách an sinh khác thì mới giữ người lao động ở lại với hệ thống. Giải pháp căn cơ vẫn là tăng thu nhập.
Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc. Song quy định được coi là "bước tiến" khuyến khích lao động ở lại với lưới an sinh đã khiến nhiều công nhân phản ứng, ngừng việc tập thể phản đối.
Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Việc sửa hay không điều 60 đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu trên nghị trường. Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến và trên 87% đại biểu đồng tình với chủ trương để người lao động được nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê năm 2021, tổng số lao động rút BHXH một lần tăng 13% so với năm trước đó bởi ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tình trạng "về một cục" tăng nhanh trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm có thể tạo nên nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp xã hội cho người cao tuổi sau này.
Luật hiện hành quy định người lao động khi chấm dứt hợp đồng, có yêu cầu sẽ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài định cư; người mắc các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS...
Hồng Chiêu