Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam, nhiều quan chức Mỹ và chuyên gia quốc tế đã lên tiếng hối thúc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ với Hà Nội.
Trước đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam hoan nghênh các bước đi của Mỹ tiến tới chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cho rằng đây là bước đi cần thiết để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Năm 2014, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam bằng cách dỡ bỏ các hạn chế về những loại vũ khí, trang bị phục vụ tuần tra, phòng thủ trên biển.
Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh quốc phòng tại Học viện Quốc phòng Australia, đây là thời điểm chính trị phù hợp để ông Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam như một di sản mà ông để lại vào cuối nhiệm kỳ. "Tôi nhìn nhận khả năng này còn cao hơn những gì mà Obama đã làm với Cuba và Iran", giáo sư Thayer nói.
USA Today dẫn lời ông Thayer cho rằng Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, chẳng hạn như xử lý bom mìn còn sót lại và khắc phục hậu quả chất độc da cam mà Mỹ từng rải xuống Việt Nam. "Chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí, đưa ra cam kết về xử lý chất độc da cam, đó là những di sản của ông Obama. Di sản đó sẽ được chính quyền tiếp theo tiếp nối thực hiện", ông nói.
Trả lời phỏng vấn VOA hồi đầu tuần, chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết "một số cuộc thảo luận ở Washington đã diễn ra" liên quan đến khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh hàng hải.
Một số quan chức trong chính quyền Obama cũng đã tuyên bố rõ rằng họ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Các quan chức này cho rằng mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Việt Nam là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Bản thân Tổng thống Obama cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi chiến lược tái cân bằng sức mạnh của Mỹ tới Đông Á là một phần quan trọng trong di sản của ông. Giới phân tích cho rằng ông Obama sẽ muốn để lại dấu ấn sâu đậm trong việc cải thiện nhanh chóng quan hệ Việt – Mỹ.
Theo Diplomat, đến nay các quan chức quốc phòng Mỹ chưa đưa ra nhiều bình luận về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, vì quyết định mang tính chính sách này chủ yếu do Bộ Ngoại giao thực hiện. Tuy nhiên, các quan chức này trả lời với tư cách cá nhân rằng Việt Nam và Mỹ đang tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn.
"Các nước Đông Nam Á đang khuyến khích chúng tôi hợp tác nhiều hơn với khu vực nói chung và với từng quốc gia nói riêng, và Việt Nam cũng vậy", một quan chức Mỹ nói với Diplomat trong cuộc phỏng vấn gần đây về tương lai hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, trong đó có khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam hiện nay là vấn đề nhân quyền. Một số tổ chức, cá nhân ở Mỹ đã lên tiếng đòi ông Obama phải xem xét kỹ vấn đề nhân quyền của Việt Nam, coi đây như một điều kiện để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
"Chúng tôi phải nói rõ rằng tiến bộ về nhân quyền là điều quan trọng để Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương", David McKeeby, người phát ngôn Cục Quan hệ Chính trị - Quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken trong chuyến thăm đến Việt Nam cũng đã nhấn mạnh những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền của Hà Nội, chẳng hạn như việc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Chống Tra tấn năm 2013 và Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật năm 2014.
Hồi đầu tuần, hai nước đã tổ chức Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ, và trong buổi họp báo sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng hai bên đã thảo luận "nhiều vấn đề nhân quyền".
Theo giới quan sát, các tuyên bố trên chứng tỏ Mỹ vẫn có thể không dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Obama nếu hai bên không đạt được những nhận thức chung về vấn đề nhân quyền. Ông Hiebert nhận định rằng ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ hoàn toàn, "điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể thực sự mua được những vũ khí nhất định".
Theo quy định, Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan chủ trì trong việc xem xét chính sách dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Cơ quan này sẽ đưa đề xuất của mình ra thảo luận với các bộ phận có liên quan và sau đó trình lên Quốc hội để tham vấn.
Quốc hội Mỹ được thông báo 30 ngày trước khi Nhà Trắng có những bước đi cuối cùng để hoàn tất các thỏa thuận bán vũ khí quân sự cho chính phủ nước ngoài, trong đó có những loại khí tài, vũ khí có giá trị từ 14 triệu USD trở lên.
Trong một bài viết mới đây đăng trên Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS, tiến sĩ Lại Thái Bình, phó vụ trưởng vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao, cho rằng Việt Nam và Mỹ "có cùng lợi ích chiến lược trong vấn đề Biển Đông" và khẳng định "có những điều kiện thuận lợi từ năm 2016 đến 2020 để hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng".
"Tôi muốn nói rằng quan hệ hai nước trong 20 năm đầu sau chiến tranh là quá trình bình thường hóa, và 20 năm tiếp theo là từ bình thường hóa tới quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế", Patrick Cronin, giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nói. "Giờ đây Tổng thống Obama cần thể hiện rõ những kỳ vọng mà ông mong chờ trong 20 năm tới cho quan hệ Việt – Mỹ", chuyên gia này nhấn mạnh.
Xem thêm: Chuyên gia CSIS: 'Lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam đã lỗi thời'
Trí Dũng