Ngôi nhà 28 Triệu Việt Vương của Lâm râu, căn gác in dấu bao kỷ niệm. Căn gác ấy, Hiền đã vẽ chân dung Lưu Quang Vũ bằng sơn dầu, vẽ thẳng vào toile. Không cần ký họa trước. Tông chủ đạo màu xám, mắt Vũ buồn, nhìn thẳng. Cần gì ký họa, khuôn mặt Anh đã hằn trong tâm trí em vô số chân dung thần thái. (Bức tranh này vẫn đang được gia đình Vũ lưu giữ). Nhiều hội ngộ, thi đàm, tranh luận nghệ thuật và tác phẩm đã ra đời diễn ra ở nhà Lâm râu.
Tháng Sáu, đường Hà Nội vừa tàn phượng, bằng lăng nhạt màu đợt hoa đầu. Mùa Hạ ấy, một chiều nàng mua quả dưa vàng đem đến. Hình ảnh quả dưa vàng xuất hiện một cách hiện đại trong thơ Lưu Quang Vũ, như mong thoả cơn khát mát lành. Chúng ta ăn một quả dưa vàng/ Vào lúc bốn giờ chiều, mùa Hạ nắng/ Nở bàng hoàng hoa tím khắp đường đi/ Trong xưởng hoạ ngổn ngang dao và bút đầy sơn/ Chúng ta ăn quả dưa tròn chín rực/ Em đánh đổ một ống màu xuống đất/ Trái dưa thơm nứt vỡ nước chảy ròng.
Thức dậy đi, bao vuốt ve nồng nàn tưởng đã ngưng vì Âm Dương cách biệt. Thức dậy nhờ tiếng Con gà đất gáy ngoài cửa sổ. Thức dậy mãi, lẽ yêu khiến chia tay rồi Anh vẫn tìm em. Giả như em quyết liệt hơn, chịu đựng nhẫn nhục, chắc mình vẫn bên nhau, số phận anh cũng khác. Nhờ tiền bán tranh, Hiền mua được ngôi nhà riêng ở Trần Quý Cáp sau khi Vũ đã đến với Xuân Quỳnh. Nếu ngôi nhà có sớm hơn, thì Vũ đã về sống bên Hiền và Vũ có thể có tổ ấm của mình. Một lần nữa, nhà văn Kim Lân lại bắt con gái bán nhà, nhằm "hết chỗ gặp Vũ", bằng lý do "con gái chưa chồng sao lại sắm nhà riêng". Hiền lại nhượng bộ, chở hết tranh sách về Hạ Hồi, ngôi nhà chật 10 người ở, không có phòng riêng để vẽ. Sau này Vũ nổi danh, có tiền, có nhiều em diễn viên xinh đẹp mê, vì kịch nói. Đã có quãng, cuộc đời ta như vở kịch câm. Nghệ sĩ kịch câm đại vĩ đại Marcel Marceau (1923-2007) người Pháp, nổi bật với vai chú hề Bíp, là nghệ sĩ có ảnh hưởng toàn thế giới. Ông và vua hề Charlot đều có đôi mắt buồn. Nước mắt hề khóc câm. Ông từng nói: "Không gì trên đời mà kịch câm không thể diễn tả". Nếu Marcel Marceau đến Hà Nội, biết bi kịch mối tình này, ông sẽ diễn tả thế nào? Tiếng khóc câm của em của Anh khi nỗi đau tột độ. Đoạn phim câm kịch câm không phải câu kết của bài Hải Phòng mùa Đông (1972) Và tấm màn đóng xuống/ Như không có gì xảy ra. Hải Phòng vẫn có Đào Trọng Khánh - chứng nhân của mối tình. Nơi Vũ đã về hồi thất nghiệp, trống rỗng ở Hải cảng trần trụi như bắp thịt, làm bốc vác, đi trên vỏ hà nhọn sắc. Những tháng ngày Hy vọng như điếu thuốc lá ướt/ Còn sót dưới đáy túi/ Anh hơ trong lòng bàn tay, Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Tôi chẳng còn điếu thuốc nào/ Đốt lên cho đỡ sợ.
Hải Phòng, nơi Hiền về khóc với Đào Trọng Khánh sau ngày mối tình đau khổ. Có đổ vỡ đâu, họ vẫn nhớ nhau, tìm nhau. Ngôi nhà Trần Quý Cáp lợp giấy dầu, tường trát đất, nền đất, rồi bạn bè tha gạch về lát nền, họa sĩ Trịnh Tú đẩy xe bò chở gạch. Nhà có vườn, hàng rào râm bụt, ngõ vào bình yên. Hiền vẽ tranh treo kín căn nhà ấy, và rất nhiều sách. Có vợ con rồi, Vũ vẫn đứng chờ Hiền đầu đường, thấy Hiền tới là theo vào sau, trò chuyện, ngắm tranh, xem Hiền vẽ. Có khi chủ nhà tới, đã thấy khách đứng chờ ngay cửa. Anh muốn tiếp tục giấc mơ Em là tia nắng soi anh đến trọn cuộc đời/ Chẳng có ai yêu em như thế được/ Em ở đâu dù cùng trời cuối đất/ Dù năm tháng dài lâu/ Dù sướng vui hay cùng cực khổ đau/ Anh vẫn ở bên em mãi mãi/ Là bậc cửa dưới chân em qua lại/ Là cốc nước trên môi em run rẩy/ Chiếc lá trên tay em/ Giọt mưa trên áo em.
Không người đàn bà nào đi qua đời Lưu Quang Vũ, được ông viết những lời sâu sắc thế. Ước nguyện của ông là đức tin về sức sống của tình yêu, của người vẫn đang yêu và được yêu Nguyễn Thị Hiền.
Tình yêu lẽ nào là mặc định khổ đau. Những sung sướng chỉ là thoạt tiên, là hồ như, như Vũ cực đoan Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt.
Lời ước hẹn hay thề nguyện của anh: Cuộc sống chia rẽ chúng ta/ Chỉ cái chết là mới gần nhau lại/ Sau này chết đi, ở bên nhau mãi.
Đeo đẳng nhớ nhau, Vũ lại viết Vẫn thơ tình về một người đàn bà không có tên 1, 2. Không cần "có tên" trước đám đông ồn ào hiềm tỵ. Chỉ có chữ H và V khắc vào trí tưởng, dẫu buồn tủi, hỗn loạn, cạm bẫy. Người con gái bé nhỏ ấy vẫn là chỗ dựa tinh thần, là tri kỷ thầm lặng của Vũ trong xa cách, dẫu dằn lòng chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Vũ gọi người yêu mãi mãi của mình, gọi để giải cứu thực tại: Hãy về đậu xuống vai anh/ Hãy về như cánh chim xanh/ Ru nhiều lời thơ đẹp nhất/ Tia nắng mỏng manh thầm lặng/ Quyết không khuất phục bao giờ/ Nhớ em như một giấc mơ/ Như trời xanh ngoài song cửa sổ nhà tù/ Như trẻ con trong thế giới già nua/ Lửa và hạt/ Ban mai và nước uống.
Hiền đã duy trì cảm xúc tình yêu ấy thành dòng chảy hội hoạ, làm nên series triển lãm Dòng chảy. Tình yêu của Vũ dành cho chị, chị dành cho Vũ, vẫn là sức mạnh kiêu hãnh, ngọn lửa bền bỉ. Lần cuối họ gặp nhau, tại Nhà hát Lớn, khi Lưu Quang Vũ gửi vé mời nhà thơ Dương Tường và Nguyễn Thị Hiền tới xem Hồn Trương Ba da hàng thịt. Đó không phải cảnh ở Hải Phòng Anh một mình vào Nhà hát Lớn/ Âm thầm giữa ghế xếp mênh mông, mà là Nhà hát Lớn Hà Nội rực sáng, chật khán giả. Vũ đỉnh danh vọng, nhìn xuống Hiền từ cánh gà. Chỉ nhìn Hiền thôi. Không để ý 600 khán giả đang hồi hộp, say sưa theo dõi rồi thỉnh thoảng lại rộ lên cười, vỗ tay, anh đã quen sự tán thưởng, hâm mộ của khán giả khắp trong Nam ngoài Bắc. Mấy chục đoàn kịch, chèo sống được nhờ kịch bản anh.
Tấm màn nhung đỏ của những nhà hát, sân khấu sốt tên Anh không làm anh quên Màu áo em đỏ rực/ Cháy sau vòm cửa đêm. Càng nhớ càng tiếc càng thương nhau, vì họ đã dâng hiến cho nhau tận cùng, đã thăng hoa xúc cảm nguyên khôi đắm đuối cuồng điên và mê dại Em chiếm hết anh rồi, anh dâng em tất cả/Đây chùm hoa cúc nhỏ/Rụng cánh xuống vai trần/Anh ngập tràn lòng em/Những màu và những tiếng/Anh hôn từng ngón tay/Anh hôn làn tóc xoã/Anh hôn lên đôi mắt/ Môi chạm vào bao la/Thôi mắt đừng xót xa/Nỗi buồn thời quá khứ/Từ nay anh sẽ thở/Trong mối tình của em.
Không có lời nói nào, tất cả đang loang theo hoà tấu Paul Mauriat (1925 - 2006) soạn từ 1967, cho ca khúc bất hủ L’Amour est bleu ("Tình yêu màu xanh", tác giả Pierre Cour và André Popp). Em đã nghe cả ngàn lần giai điệu ấy, cùng bản Love Story viết năm 1972, tuyệt tác của Francis Lai - nhạc sĩ sống ở Nice, có dòng máu Việt, cho nhạc phim Hollywood.
"Doux, doux, l’armour est doux. Douce est ma vie, ma vie dans tes bras.Doux, doux, l’amour est doux. Douce est mavie, ma vie près de toi. Bleu, bleu, l’amour est bleu. Berce mon coeur, mon coeur amoureux. Bleu comme le ciel qui joué dans tes yeux.Comme l’eau comme l’eau qui court/Moi, onon coeur court après ton amour. Gris, gris, l’amour est gris. Pleure mon coeur lors que t’en vas. Tombe la plui quand tu n’es plus là"(Tình yêu êm dịu/ Trong vòng tay anh/ Cuộc sống êm dịu/ Khi gần bên anh / Tình yêu màu xanh/ Ru trái tim em/ Trái tim em đang yêu/ Tình yêu màu xanh/ Như bầu trời long lanh mắt anh/ Như dòng nước chảy/ Trái tim em đi theo tiếng gọi của anh/ Tình yêu buồn/ Con tim em/Khóc khi anh ra đi/ Bầu trời xám/ Mưa rơi khi anh không còn nơi đây.
Bài hát cùng thời của Vũ và Hiền, viết hộ tâm tình của em, không sống danh nghĩa vợ chồng, mà tình là trăm năm. Người ta nói, mỗi người chỉ có một thời. Thời tuổi trẻ, thời vinh quang, thời sung sức, thời yêu. Thời của Vũ yêu Hiền là thời thăng hoa nhất của phần đời thi sĩ. Thời tự do Vi yêu Anh, là cuộc đời đẹp nhất của Vi.
Viết cho mối tình Lưu Quang Vũ - Nguyễn Thị Hiền, là viết cho những người đang yêu, biết yêu, sẽ yêu. Viết cho mình.
Đò sang Bát Tràng bữa ấy, bóng đò còn lưu nước sông Hồng chảy miết không?
Còn, không phải ở khuôn hình bức ảnh, thước phim, mà ở khuôn hình của linh hồn. Giờ anh như con thuyền/ Bốn bề lên sóng vỗ/ Xô dạt về tựa ngủ/ Trên rộng dài bến em.
Nguyễn Thị Hiền tuổi 66, vẫn đôi mắt mở to, bàn tay thon ấm. Đôi mắt đang quay tiếp mường tượng tình yêu, hay tour lại các đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim đời. Mường tượng trong hình dung sống động về thời yêu, người yêu, Tình yêu lớn duy nhất của đời mình, cho ta sức mạnh siêu thường, từ trân quý thiêng liêng, từng khoảnh khắc mùi da thịt, tóc mưa. Mình ôm lấy anh ôm mình/ Lưng anh lưng em lưng sóng (**).
Tình yêu của đôi ta là hành động tận hiến. Đã khởi đầu, lại khởi đầu. Không bao giờ kết thúc. Vì những tài năng yêu nhau, kiêu hãnh về nhau, cùng cộng hưởng khơi gợi nhau sáng tạo, để cùng dâng cho đời kết tinh tượng hình tác phẩm mà sống tiếp sau hữu hạn đời người. Từ kiếp sống ngắn ngủi này, con người chỉ có thể nối dài sự sống của mình, âm vang tên mình, một cách sang trọng và bền vững nhất, bằng tình yêu và nghệ thuật. Thật tuyệt vời khi Vũ và Hiền, Anh và Vi có tình yêu trong tình yêu nghệ thuật, để song hành bùng cháy và toả sáng Khi em ngẩng đầu lên, anh biết đêm đã xuống/ Gió thổi qua biển lớn và mưa rơi trên những vòm lá rậm/ Khi em mỉm cười, anh biết những bông hoa nở cánh trong im lặng, lũ trẻ nhảy đùa trên phố sớm/ Khi em để tay lên chốt cửa, giọt ánh sáng chập chờn trong trí nhớ, anh thấy lại chiếc găng cũ quên nơi tủ áo/ Khi em tìm nắm ngón tay anh, đáy thất vọng nảy sinh dòng nhựa mới/ Khi em nhắm mắt lại, anh biết những con ngựa hoang đang đi trên đồng cỏ/ Khi em tựa xuống vai anh, lúa gặt về nóng rực, con gái con trai hát lưng đồi nắng, mật đổ tràn trên suốt đất thơm...
20 năm im lặng, sau khi Lưu Quang Vũ qua đời, đến năm 2008, khi đạo diễn Nguyễn Thước làm phim tài liệu Ngọn lửa trong gương, với nhiều động viên của Đào Trọng Khánh và bạn bè, Nguyễn Thị Hiền mới hé lộ một chút về tình yêu lớn của mình. Tác phẩm này của tôi, chứa đựng sự thật về tình yêu lớn, về biến cố và bước ngoặt cuộc đời hai nghệ sĩ. Suốt bao năm, tình yêu này cao hơn cả tình yêu nơi Nguyễn Thị Hiền. Bà luôn mang cảm giác trinh nguyên, chớm nở về vẻ đẹp tinh khôi như ngày đầu và đớn đau khi nghĩ đến những chà đạp, dày xéo mà họ đã chịu đựng. Nhiều năm qua đi, nhưng bà tin tình yêu của họ vẫn không thay đổi, bà luôn nhớ một câu từng đọc như niềm an ủi trái tim nhói đau ngấn lệ của mình: "Tình yêu là cái cao nhất mà nhân loại đạt tới, cũng chỉ là bàn chân của điều Thiêng liêng - của Thượng đế. Nhưng từ đó nếu bàn chân được tìm thấy, bạn có thể tìm được trọn vẹn sự Thiêng liêng từ Thượng đế ban cho loài người". Như thế, họ đã có tình yêu cao quý.
Nhà thiên văn nổi tiếng thế giới Trịnh Xuân Thuận (sống tại Mỹ) đã viết nhiều cuốn sách khoa học bằng tiếng Pháp mang chất thi ca như: Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về thuở ban đầu. Chúng mình hay nhắc lại kỷ niệm lần đầu gặp nhau. Không phải "Người con giai đến phòng em chiều Thu", mà em đến phòng Anh vào buổi trưa tháng 9. Đêm nay, ánh sáng lại làm đường dẫn cho chuỗi chuỗi hình hình kỷ niệm ngập tràn. Ban đêm, nhà thiên văn học qua kính thiên văn, lang thang vào trong các thiên hà, nhờ ánh sáng thấy sự di động và các sinh tố của chúng. Trịnh Xuân Thuận nói về vai trò của ánh sáng: "Ánh sáng làm liền trái đất, kết nối những lục địa, làm phẳng, ráp nối lại tất cả. Các thiết bị số ngày nay đều dựa trên nguyên lý ánh sáng và điện từ. Mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này đều nhờ ánh sáng. Giọt lệ cũng là kết tinh của sự vận động từ ánh sáng. Các hạt nhân trong giọt lệ, qua cơ thể sinh học, cảm xúc của con người, lệ long lanh nhờ ánh sáng. Ánh sáng đưa những gì từ vũ trụ vào mắt, tim ta. Ánh sáng là cảm hứng cho con người thăng hoa. Những thi phẩm hay nhất cũng là sản phẩm của tương tác vạn vật mà ánh sáng là khởi nguồn. Những bài thơ, hoạ phẩm kiệt tác là câu chuyện về thế giới tâm hồn, câu chuyện về ánh sáng, nuôi dưỡng từ ánh sáng. Sáng tác thơ như đi tìm cái gì vũ trụ của nhà khoa học. Họa sĩ vẽ cảm xúc tâm hồn và sự vật bằng ánh sáng". Phân tích về ánh sáng qua tư duy sáng tạo của thi sĩ, hoạ sĩ, Trịnh Xuân Thuận đưa thêm cho chúng ta một chiếc chìa khoá diệu kỳ nữa.
Ngay lúc này và sau nữa em không muốn giải thích điều gì bằng khoa học. Ánh sáng truyền nhịp tim, chấp nhận cả phi lý lẫn siêu thực, cuộc khám phá về nhau, về nghệ thuật không bao giờ hết. Những bài thơ, bức tranh, tác phẩm của Tình yêu lớn đã đi vào lịch sử nghệ thuật, lưu lại thiên tình sử bằng kết tinh sáng tạo đỉnh cao - món quà vô giá truyền tặng những người say mê cái đẹp, say tình.
Mắt trời là muôn sao đính lên không gian, thêu Ngân Hà đẫm sáng. Đẫm sáng các dòng sông, mặt biển, cánh rừng, triền cây, miền cỏ... Đẫm sáng thân đôi đan quyến linh quang. Phía trước là con đường ta mở cho mình, theo ái trình bẩm sinh. Lộng lẫy anh sa đầm đìa mỹ nhiệm. Những cảm xúc khát vọng đẹp đẽ cao quý, chân thực, mơ hồ, thầm kín, hiển lộ cho đôi ta một di sản tác phẩm. Tác phẩm là minh chứng sống động và bí ẩn về thời của đời yêu, đỉnh cao và độ sâu của những tâm hồn đương thì không giới hạn, đã thành hạnh nguyện bất tử của Hiền - Vũ, của Anh - Vi. Hạnh nguyện vĩnh cửu của nhân loại, của mỗi chúng ta, của những đời yêu quên tuổi.
Vi Thùy Linh
(Tùy bút "Thời của đời yêu" là tác phẩm dài nhất trong tập văn xuôi đầu tay của nhà thơ Vi Thùy Linh - "ViLi tùy bút" - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2012).
(**) Thơ Vi Thùy Linh