Nếu ViLi sống ở thời ấy, làm sao tránh khỏi yêu Lưu Quang Vũ. Người đàn ông tài và đẹp thế, có sức cám dỗ, hấp lực ghê gớm. Lúc ấy, Vũ chưa lên đỉnh công danh, nhưng người tinh tường đọc thơ văn ấy, câu chữ ấy, là nhận biết đấy là tài năng lớn. Và chỉ có tài năng ngang tầm mới sánh được, nâng đẩy, kích thích được tài năng. Tình yêu của Lưu Quang Vũ với Nguyễn Thị Hiền, đã vào văn học sử. Chỉ Hiền được Vũ chờ đợi, trao gửi niềm tin tột độ: Anh vẫn nhen một ngọn lửa âm thầm/ Hình bóng em chập chờn trong lửa ấy/ (Ai trong đời chưa một lần mơ thấy/ Không có quyền phán xét những câu thơ)/ Sóng khát khao đập cửa đêm ngày/ Nên chói chang đời anh, em tới/ Mắt em mở chân trời xa vợi/ Nhưng hơi ấm anh cầm là ấm của bàn tay/ Em bằng xương bằng thịt đây rồi/ Anh đợi mãi, cuối cùng em đã đến/ Hơi thở em từ lâu anh đã thuộc/ Tóc em đây lời nói của em đây.
Truyền cho nhau hơi ấm, doping sáng tạo và hy vọng vào ngày mai. Họ đã bên nhau những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Vòng quay bánh xe đạp chứa vòng đời, lăn qua quãng đời đẹp nhất của hai người. Phan Vũ viết bài thơ từ căn gác phố Hàng Bún về cây bàng đơn độc, mảnh trăng mồ côi mùa Đông, tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc chiều tan lễ. Phan Đình Phùng là một trong số ít các đường đẹp nhất, xanh nhất, thơ nhất của chốn kinh kỳ. Hiền và Vũ nhiều lần đạp xe sóng đôi trên đường này về Hồ Tây. Có lần đi cùng Lâm râu, Lê Minh Khuê câu cá, nấu cháo cá bên hồ. Vũ hay chờ Hiền ở cổng cơ quan. Ôi cái thời khốn khổ mặc áo cộc tay đi làm là bị hỏi, hai người không dám đèo nhau. Lại thêm hoạ sĩ Thành Chương (em trai Nguyễn Thị Hiền) quyết liệt ngăn cản. Họ "sợ" Thành Chương như cảnh sát truy lùng, sợ bị bắt gặp. Nhà văn Kim Lân ủng hộ con trai, bởi ông yêu và kỳ vọng vào con gái cả. Con gái chưa chồng, lại vướng vào quan hệ phức tạp, cha nào chẳng lo cho danh tiếng gia đình, giữ giá cho con. Tôi thấy họ đạp xe giữa hai hàng cây sao đen phố Lò Đúc. Trường đoạn phim négative không âm nhạc, chỉ có tiếng động bánh xe. Và tiếng nhịp thở im lặng. Vũ cùng Hiền tới nhà in báo Nhân dân trên phố Tràng Tiền. Chờ Hiền ở ngoài, Vũ lấy ra cuốn sổ bìa tím than, làm thơ. Hiền minh hoạ. Có khi hai người cùng chép dòng dòng yêu thương vào đây. Những năm chiến tranh ác liệt ấy, không chỉ bom đạn ập nhãn quan, phối cảnh, tiết điệu, tâm lý sống đa số giống nhau. Người Việt Nam đã liên tiếp chịu đựng, chống chọi nhiều cái sợ, tiếp diễn sợ cả giữa thời bình, đến độ mất khả năng đòi hỏi, phản kháng. Hoà bình đến mong manh/ Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn/ Người đông phố chật/ Quán café mở khắp nơi/ Một ngày người ta uống/ Bao nhiêu đen tối vào người. Ở thời điểm ấy, tình yêu và nghệ thuật là cứu cánh. Chẳng sống thời ấy, ViLi, thuộc thế hệ 8X, gần 40 năm sau mối tình kia, cũng dốc hết tim não cho tình yêu lớn bằng bản chất si tình tận hiến.
Lại mưa. Mưa hoa gạo rụng thắm mặt đường. Vũ đợi Hiền: Em đi vào nhà in/ Những con chữ rời rạc/ Ghép vào nhau thành sách/ Những câu thơ âm thầm/ Muốn nói hết sự thực/ Về đất nước của mình/ Dù con người là cô đơn/ Cái ác là dày đặc/ Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ Mở tới tình yêu/ Ở đó lòng em/ Ra với mọi người/ Ở đó mọi người/ Đi tới bên nhau.
Ngày ấy chưa phải mùa Xuân thống nhất như Văn Cao viết trong Mùa Xuân đầu tiên: "Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người".
Vũ yếu đuối, sợ cô đơn. Vũ sợ lúc xa Hiền học du học nước ngoài. Đó là năm 1973, Lâm Tới được chọn đi học diễn viên ở Liên Xô, còn Nguyễn Thị Hiền có giấy gọi sang Tiệp học hội hoạ. Vũ đã viết "Ngày mai em đi xa", "Mai em đi" trong mấy bài thơ "Gã làm thơ da vàng/ Không đêm nào ngủ được", là khẳng định vai trò tri kỷ và hẹn ước với Nguyễn Thị Hiền: Chúng ta đi mở những cánh cửa/ Xuyên bóng tôi bốn bề bao phủ/ Chúng ta đã nhận ra nhau/ Chúng ta đã tìm đến bên nhau/ Chúng ta mãi mãi ở bên nhau. Vì chuyện tình này, Hiền không được đi du học. Hai người tiếp tục che chở, thăng hoa nhau bằng yêu thương trao gửi. Hình ảnh hoa cúc trở đi trở lại trong thơ Vũ. Hoa cúc rối chiều Xuân nào tôi đến/Chẳng gặp em - chỉ màu hoa vàng rực. Nguyễn Thị Hiền đã vẽ bức sơn dầu cô gái mặc áo vàng bên hoa cúc vàng. Một hôm đi vẽ ở Thái Bình về, thấy nhà trống trơn. Xunhasaba cho xe tải đến nhà chở tranh ra triển lãm cho các nhà sưu tập Nhật, Mỹ xem. Họ ngạc nhiên sao Việt Nam lúc ấy lại có một nữ họa sĩ vẽ được moderne như thế. Họ đã mua hết, trong đó có một bức của Thành Chương, còn lại của Nguyễn Thị Hiền (tranh hiện thực, siêu thực). Con gái bắt đền cha không được. Nguyễn Thị Hiền là nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam bán được tranh với số lượng lớn. Cuối 1972, Mỹ thả bom ác liệt. Cô gái mảnh khảnh chở tranh lên Đan Phượng sơ tán. Khi về, Hiền và Vũ ra phố Khâm Thiên đổ nát. Tôi gặp em trong thành phố bị bom/ Bức tranh em mới vẽ/ Cô bé mặc áo nắng/ Cổ rất gày và mắt rất to/ Nước ngập đường hoa sấu rụng trong mưa/ Tôi nói cùng em những khát vọng bị chà đạp/Những tường vách phải tự mình phá nát/Con người cần một Tổ quốc yên bình/Cần đi tới không ngừng cần tin tưởng/ Cần yêu em và cần được em yêu.
Xót xa, bi phần chuỗi câu hỏi về chiến tranh, về những giá trị trên đời bị đảo lộn, thất thoát, "Hồ sơ mùa Hạ 1972" không chỉ lột tả sự tàn phá của cuộc chiến kéo dài, mà còn là bức bối của bi kịch chung. Người ta lột áo bán ngoài cửa chợ/ Người ta mặc cả từng cân tem gạo/ Con gái con trai áo rộng vai gày/ Không còn đủ sức yêu nhau. Vũ và Hiền vẫn đủ sức, dốc sức yêu nhau. Hiền đem đến sinh khí mới cho Vũ, và chấn động tâm lý, xúc cảm đặc biệt từ người con gái mảnh manh dữ dội kia, đã đẩy anh lên chiều kích khác, bước ngoặt của tư duy sáng tạo. Để bùng nổ. Đi tìm nhau suốt đời/ Sao bây giờ mới gặp/ Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện/ Tìm trong mắt em náo động những chân trời.
Đỉnh cao, hay chân trời, là miền đất nào? Ở chính lòng ta. Nàng áo đỏ ấy có sức kích động và công phá vào thi sĩ bằng chuyển động các giác quan, bằng linh giác. Ngòi nổ đã châm rồi! Từ em - "Gày như huệ trắng xanh/ Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm/ Em tê dại em âm thầm kiêu hãnh/ Em cô đơn như biển lạ lùng ơi". Yêu nhau hết mình, có bao giờ tính, kể. Người đàn ông yếu đuối được tiếp sức, dần tìm thấy sức mạnh tiềm sinh, mãnh liệt tỏ bày: Tôi phải đi tới đích cùng em/ Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành/ Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi/Tôi tan nát tôi kinh hoàng sợ hãi/Em cô đơn rồ dại của tôi ơi!.
Em cô đơn rồ dại cùng chính là hình ảnh anh, cách yêu của anh. Những buổi sáng ngồi uống café dưới gầm cầu xe lửa đoạn phố Phùng Hưng của Hiền và Vũ đã làm nên một cảnh ciné độc đáo chưa từng có. Đoàn tàu băng ngang phố cổ, bánh sắt nghiến đường ray cầu đá trên cao. Ngồi dưới, ta nhận cảm độ rung chuyển của tàu của cầu, của cả nhịp tim chộn rộn "Quán café dưới gầm cầu xe lửa/ Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ". Hạt mưa đen, bụi than nhám vào trang giấy. Hiền và Vũ cùng đáp tàu hỏa về Hải Phòng - "Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ", chơi với Đào Trọng Khánh. Chưa ai viết về quê hương Hải Phòng đúng và độc đáo như Đào thi sĩ.
"Mỗi bức tranh của em/ như một ô cửa" - bút tích Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Hiền in ngay trang đầu vựng tập tranh khi chị là nữ họa sĩ Việt Nam đầu tiên trưng bày tranh tại gallery Hoàng gia Tây Ban Nha 2008. Và những câu thơ trong bài thơ tình đẹp nhất viết về tình tự của Lưu Quang Vũ, được Nguyễn Thị Hiền đưa lên tranh sơn mài, triển lãm tại Việt phủ Thành Chương dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Chuyển cư vào Sài Gòn 1984, thường xuyên ra Hà Nội, Nguyễn Thị Hiền đã mua nhà riêng, số 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, dành tầng 4-5 làm Nhà lưu niệm Kim Lân. Làm sao không nhớ Hà Nội, tuổi trẻ, tình yêu đẹp nhất đời đều ở đấy.
Dự cảm chia lìa ác nghiệt xảy ra. Mưu toan, thủ đoạn, tranh chấp, nhỏ mọn, thói thường thấy ở đàn bà hạng xoàng. Với người đàn bà Nguyễn Thị Hiền, là xa lạ. Ly hôn Tố Uyên, đang yêu Nguyễn Thị Hiền, Lưu Quang Vũ lại chịu cuộc tấn công từ Xuân Quỳnh, người đàn bà hơn 6 tuổi, đã có con trai, bỏ chồng và có vài mối tình cũng trong giới văn chương trước đó.
Xuân Quỳnh đã để nhật ký tỏ bày tình yêu với Lưu Quang Vũ trên bàn làm việc báo Văn nghệ, cho nhà văn Kim Lân nhìn thấy. Bị bố mắng, quát, giận dữ lôi đình, dọa từ mặt, đuổi ra khỏi nhà, Hiền thu xếp ra đi, ở nhờ nhà bạn được mấy hôm lại được gọi về. Áp lực, gây sức ép liên tục, ròng rã, Hiền vẫn không chịu bỏ cuộc. Cho đến một lần bị đuổi, đi được mấy hôm, thì nhà báo Mạc Lân hớt hải tìm "Về ngay Hiền ơi! Ông Kim Lân ốm nặng". Về tới nhà, cô con gái cả thấy bố mặc áo len, khoác áo bông, đội mũ lông, trùm khăn len, đi tất, ngồi co ro trên phản giữa mùa Hè 40 độ, mặt tái xanh, rên hừ hừ. "Khổ nhục kế" hiệu nghiệm, Hiền quá thương bố, không chịu nổi cảnh ấy. Bố Kim Lân rất đau khổ vì những kẻ độc ác, ngu tối, nhỏ nhen có thể vấy bẩn và hành hạ con gái mình nên đã ra sức chống đối. Người con gái ấy đã không đầu hàng bố, đầu hàng hoàn cảnh, nhưng không thể tiếp tục dấn thân vào nơi bao nhiêu tính toán, ghen tuông vô lối và sự yếu đuối của Vũ trước áp đảo của hai người đàn bà. Chấp nhận chia tay cũng là giữ cho mình lực hút mãi mãi với người yêu, chứ không phải muốn chiếm đoạt để bị lẫn vào hai người đàn bà kia. Thực tế, họ vẫn cứ gặp nhau, kín đáo và cảnh giác hơn. Sau này, công chúng biết đến nhà văn Kim Lân đóng thành công vai Lão Hạc, phim Làng Vũ Đại ngày ấy của ĐD, NSND Phạm Văn Khoa. Chúng tôi lại nghiệm thấy, vai oách nhất, lịch sử nhất của ông chính là "vai diễn" Hè 1974 ấy. NSND Đào Trọng Khánh phân tích cho cô em vỡ lẽ: "Ông cụ biết điểm yếu là Hiền rất thương bố. Quát mắng dữ dội không được, thì đánh vào tình cảm. Cụ diễn cảnh ấy làm em xót, hòng buộc em đầu hàng".
Ngờ đâu, lúc Hiền vẫn đang yêu Vũ, Vũ lại yếu đuối và mệt mỏi giữa những người đàn bà, ngã vào vòng tay chị hàng xóm. Lúc lao đao loạng choạng ấy, Vũ không chống đỡ nổi sự tấn công liên tiếp bằng nhiệt tình, tốt bụng lo toan của Xuân Quỳnh, bà chị có ý đeo đuổi Vũ từ lâu. Họ về ở với nhau, sinh con trai rồi, suốt cuộc sống chung 15 năm, Xuân Quỳnh chưa một lần có được tinh thần Lưu Quang Vũ trọn vẹn. Chắc nhiều người sẽ phản ứng nhận định này, khi đã quen nghe, quen đọc, quen nếp nghĩ về một điều đã nói nhiều lần, thành "giai thoại hoàn hảo". Thơ Xuân Quỳnh từ 1975 - 1988, luôn dày đặc bất an, lo âu, thiếu tự tin. Bởi trong tinh thần, trái tim Lưu Quang Vũ, luôn nuôi dưỡng hình ảnh Nguyễn Thị Hiền.
Chỉ câu thơ này của Xuân Quỳnh đủ lý giải sự bất an, mặc cảm triền miên ấy, là một cứ liệu giúp những người quen lý tưởng hoá về sự hoàn hảo của cặp vợ chồng này, biết một sự thật khác: Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ/ Giữa vô cùng hoang vắng, giữa cô đơn (Tự hát, 1979)
Thương bố, chịu đủ thứ áp lực, vì tự trọng Nguyễn Thị Hiền không thể "tham chiến" trong cuộc tranh đoạt, chị đành rút lui. Họ chia tay nhau mà vẫn đang yêu nhau, mà đầy nhớ thương, đau đớn. Chia tay rồi, hầu như mỗi ngày Lưu Quang Vũ đều đứng đầu ngõ Hạ Hồi, xem chị đi làm rẽ hướng nào rồi đạp xe theo. Bốn năm sau đó, chị vẫn không yêu ai. Năm 1978, Hiền lấy chồng, nhà nghiên cứu Hán Nôm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật VN - Lê Dưỡng Hạo, đã mất năm 2002 (con trai nhà sử học Lê Tư Lành, đại biểu QH khoá I) và sinh con gái độc nhất Lê Hiền Minh năm 1979. Vũ vẫn đạp xe sau xe đạp Hiền chở Hiền Minh, có khi Vũ cũng chở Lưu Quỳnh Thơ. Cứ thế im lặng, không nói gì, chỉ nhìn nhau. Chỉ cần nhìn thấy nhau. Và rồi, Vũ có Thơ tình viết về người đàn bà không có tên 1, 2, 3, Vũ muốn giấu tên Hiền, cho cuộc sống hôn nhân của cả hai bình lặng qua ngày. Phố, cây, mưa nắng nhập nhoà từ đấy trước mắt nàng. Họa sĩ không đủ tĩnh tâm một mình ngắm phượng nở, lá cơm nguội rụng vàng mặt phố, trở lại quá café cũ, con đường quen.
Phòng khách nhà chị tại 452 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP HCM có treo bức tranh cắt giấy. Còn bức sơn dầu Giao cảm vẽ vào đúng sinh nhật Lưu Quang Vũ tuổi 25, chiều 17/4/1973, Vũ - Hiền trong tranh thật đẹp đôi, khuôn mặt thánh thiện và hy vọng. Còn đây, Chân dung tự hoạ, tóc em rối và áo em đỏ thắm, tranh sơn dầu 1974.
Lo toan, bức bối khắc nghiệt kia, không tước đoạt được của chúng ta những khắc khoải tiềm tàng về sự thuộc về, bên nhau mãi mãi. Giờ đây, Hiền không thể đập khung kính của bức tranh cắt giấy trừu tượng về tình yêu - một kỷ vật của quãng đời đẹp nhất. Những mảnh giấy dán, bao kỷ niệm, hình ảnh chất chồng. Sẽ chẳng có dịp nào về làng Vân - Bắc Ninh nữa. Chén rượu nồng uống 40 năm còn men vị giác sóng hôn, chếnh choáng năm mùa. Nàng đã đến nhiều vùng biển trong và ngoài nước, nhưng không biển nào để nhớ như Đồ Sơn. Nàng vẽ biển, sắp đặt Mầm sống trong triển lãm 2006 tại Bảo tàng Dân tộc học. Hàng chục triển lãm của Hiền không có mặt Vũ. Nàng biết, chàng vẫn dõi theo nàng, vẫn ngắm tranh nàng, từ lúc nàng đưa nhát bút, nét vẽ đầu tiên.
Em chưa đưa Anh về làng Bà nội, đường lát đá xanh. Lưu Quang Vũ cũng chưa từng về đấy. Quê gốc Đà Nẵng, TP đã dành một con đường đặt tên Lưu Quang Vũ phía Ngũ Hành Sơn. Hiền chưa đưa được Vũ về làng Phù Lưu, Vũ chưa dắt Hiền về Đà Nẵng. Song hai người đã tắm biển Đồ Sơn. Chúng ta đều thích mặc đẹp, biết ăn ngon, nhưng thời thiếu đói có gì. Vũ hút thuốc lào, ăn cơm đầu ghế. Chỉ vài bộ quần áo đã sờn. Người đàn ông si tình ấy, khi đã có con với Xuân Quỳnh, vẫn trèo qua cửa sổ gọi Hiền, khi nàng làm việc tại Cục Xuất bản số 10 Đường Thành. Chúng ta, đôi uyên ương nuôi tình yêu giữa những ngăn cản, phá đám, tranh giành của những người đàn bà chỉ muốn độc chiếm cho thoả, dù chỉ là thể xác. Tố Uyên, khi đã ly hôn, có người tình mới, vẫn sống tại căn phòng từng sống với Lưu Quang Vũ (còn Vũ chuyển sang ở với bố mẹ), một buổi trưa dùng dao phay, lao vào uy hiếp Nguyễn Thị Hiền, may Vũ kịp chặn. Hiền kinh ngạc về ứng xử ấy. Họ vốn học cùng trường tiểu học Quang Trung. Chính Hiền giới thiệu với bác ruột - nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bảy, mời Tố Uyên vào vai bé Nga, phim Con chim vành khuyên. Không muốn tái diễn cảnh "đối thoại dao phay" và thất vọng trước sự cả nể của Lưu Quang Vũ khi xử lý "ca khó" Tố Uyên - Xuân Quỳnh (khi đó họ cùng ở cùng số nhà 96 Phố Huế), Hiền bỏ về và không bao giờ trở lại nơi ấy. Hiền "trốn" những con đường quen hai người thả bộ hoặc dạo xe đạp. Trốn các bạn bè chung của hai người, sợ bị hỏi thăm, sợ tấy lên ký ức.
Vi Thùy Linh
Còn tiếp...
(Tùy bút "Thời của đời yêu" là tác phẩm dài nhất trong tập văn xuôi đầu tay của nhà thơ Vi Thùy Linh - "ViLi tùy bút" - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2012).