Tháng 4, lùi lại hơn 40 năm trước, Hà Nội thời chiến tranh. Đường phố có hầm công cộng. Thị dân đồng loạt gày, đồng phục áo quần, gương mặt, kiểu nói, quan niệm gần như nhau. Chỉ một số ít dám khác. Cây buông lá trong gió lạnh, duỗi cành khẳng khiu. Gió thổi ngược vành nón bầu trời. Hồ Halais mờ sương cuốn hương sữa đường Nguyễn Du ôm ấp. Sương phủ khắp thành phố (TP) bàng bạc, huyền nhiệm và lãng mạn. Sự lãng mạn trong đói khổ, hiểm nguy, lo âu, lạc hậu có vẻ xa xỉ, lạc điệu, mà thật đẹp.
Ánh sáng chói ngày Hè tháng Sáu năm 2012 hạ dần, nhiệt độ dịu mát. Hà Nội tái hiện mùa Thu 1972. Giữa phổ cập những bộ cánh bạc màu, quân phục, quần áo công nhân, có một cô gái gày, tóc ôm khuôn mặt. Bàn tay nhỏ, ngón khuê các và đặc biệt ấn tượng đôi mắt nâu mở to. Nàng mặc áo đỏ. Đây chỉ là một nét tính cách khác biệt của nàng. Không phải sự nổi loạn, nàng dám là mình, thành ra khác đám đông, từ lúc đang học trong trường Mỹ thuật. Đó là Nguyễn Thị Hiền, vẽ tranh và đoạt giải quốc tế khi là một cô bé. "Thần đồng hội hoạ" được thi sĩ bẩm sinh biết tên, biết tranh từ khi chưa gặp mặt. Nên anh đã đến tìm em ngay sau buổi tối đầu tiên: Ngõ Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi/ Đá xa vắng trên mặt đường ướt lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường/ Thế giới xanh xao những sự thật gày gò/ Em đã đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh. Hiền sinh tháng 9 mùa Thu. Mùa rộ vàng hoa cúc. Trùng hợp quá, Hiền và Vũ đều yêu cúc vàng. Nàng hơn chàng 2 tuổi, xưng tên. Ở châu Âu, hoa hồng vàng là biểu tượng chia ly, sau này em biết thế. Ngày ấy em và anh đều yêu hoa cúc vàng. Có phải định mệnh không, mà rồi ta phải yêu khắc khoải trong cách xa: Hoa cúc vàng - nỗi nhớ của hoàng hôn/ Những dãy phố những con thuyền phiêu bạt/ Nhưng người con gái con trai im lặng/ Mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ. Đôi mắt to của Nguyễn Thị Hiền là một hình ảnh xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của ông. Đôi mắt ấy là một ám tượng.
Đôi mắt mở căng tia đồng tử, nhìn thấy một tài năng lớn trong giai đoạn tuổi trẻ đang ngổn ngang: lấy vợ sớm và có con luôn năm 1970, nhiều bất hạnh, không việc làm. Vốn liếng văn học mới có tập Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt, 1968). Anh biết anh có tài, song le sự ngổn ngang kia khiến anh thấy mặc cảm về sự thất bại. Và em đến. Anh không hỏi một câu cũ rích: "Cơn gió nào đưa em tới đây?". Anh từng thấy chán bạn bè "Mấy năm rồi chẳng nói được câu gì mới". Nói mới, là nghĩ mới, hay chí ít là nghĩ khác. Hai tháng sau lần gặp ở tạp chí Thanh niên, nhà văn Đỗ Chu nhắn Hiền qua 96 phố Huế "để anh trả nợ vì vừa lĩnh nhuận bút". Em đạp xe đến. Nào có biết đến nhà ai. Tới nơi mới hay, là nhà anh. Buổi tối mất điện, Đỗ Chu, Định Nguyễn ngồi cùng anh trên chiếu, bên ánh đèn dầu. Anh đọc Đất nước đàn bầu, đang đọc dở thì em đến - anh đọc lại từ đầu. Em im lặng chăm chú nghe. Em bị hút vào anh , gương mặt tuấn tú ngời sáng của chàng trai Hà Nội "ưu thời mẫn thế", hút vào giọng đọc cuốn hút có lửa, hay những câu thơ giàu tình của anh. Nghe xong, em tự nhủ "Mình yêu mất rồi". Em đạp xe về, lâng lâng chấn cảm. Em biết, em đã không thể sống - vẽ - yêu bình thường được, kể từ khi ấy. Chúng ta có những mong ước bé nhỏ, bình dị. Song với nghệ thuật và tình yêu, sự bình thường trong ứng xử, tư duy đồng nghĩa với phổ biến, nhạt nhoà. Chúng ta dám vượt lên. Và khác. Tiếng sét đã đánh vào đôi ta. Buổi tối mất điện mà ánh sáng truyền toả trong tâm hồn em từ anh. Ta đã bị trúng mũi tên thần Cupid. Em về, vừa cất xe, định đóng cửa, lại có tiếng gõ cửa. Anh, là anh đến! Anh mặc áo mưa lính, khuỵu chân, dựa cửa.
Anh rủ em ra phía hồ Thiền Quang. Đường Quang Trung dậy mùa tương tư. Hoa sữa phủ hương dọc lối. Mình nghe thấy tiếng thở của nhau. Bé nhỏ bước bên anh. Hồ Thiền Quang mở gương đêm trinh tĩnh. Trăng rưới lên sóng hồ lấp lánh. Soi vào mắt nhau, dù chỉ một lần/ Soi vào mắt anh, mùa trổ mùa (*). Mùa trổ Thu lúc mùa thay áo. Anh tỏ tình: "Từ lâu Vũ đã yêu Hiền", rồi trao em bài thơ. Tất cả những bài thơ anh tặng em đều viết tay. Chữ gọn đẹp, đủ nét và mơ mộng trên giấy kẻ carô. Anh và Vi cũng yêu bên hồ Thiền Quang, khi em từ Pháp trở về, một ngày Đông, cả TP không ai biết em về.
Bài thơ Người con giai đến phòng em chiều Thu là một tự thuật, bộc bạch, tự thú hay ngỏ lời? Có tất cả. Trong sự yếu đuối là đắm say về mối duyên định mệnh. Họ hợp nhau, như chỉ chờ lúc "chạm mặt" là bùng nổ. Hoá ra anh đã biết em lâu rồi, anh viết "tìm em mười năm" là một tượng trưng thời gian về nỗi mừng vui, hồi hộp gặp được đúng người tri kỷ. Anh chẳng có gì ngoài tâm hồn cả. Người con giai đến phòng em chiều thu/ Hắn mặc áo mưa lính rách rưới/ Người con giai đi tìm em mười năm/ Hắn từ mặt trận trở về/ Từ quán rượu từ phố đông huyên náo/ Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về/ Bị lừa dối, bị lăng nhục/ Rách rưới, bơ phờ, cô độc/ Hắn ngồi trước mặt em.
Sau này, khi mình cùng nhau đến làng gốm Bát Tràng, em lại nhớ những câu thơ trong bài thơ đầu tiên Thu 1971 ấy. Hà Nội thời chiến tranh, nghèo, lam lũ át hào hoa. Anh, chàng trai 23 tuổi đang "trắng tay" và nhiều chán nản, túng quẫn, cô đơn, dẫu quanh anh luôn có bạn bè. Anh chờ em, một tri âm tri kỷ. Anh muốn nói những lời thầm kín/ Như men trắng lên màu trong lò nung/ Những đường nét hiện hình/ Phút hồi hộp lạ lùng/ Chỉ riêng lửa biết/ Phút khát vọng thành màu trên khung vải/ Phút tình yêu đậu cánh xuống trang thơ.
Suốt cuộc đời mình, chưa cô gái, người đàn bà nào hòa điệu tâm hồn, được yêu tin cao độ đến mức luôn dành chia sẻ, ao ước về tình yêu cứu rỗi, khám phá, phiêu du và chung thuỷ, như Anh dành cho em. Dù anh chẳng còn gì: Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất/ Không giấu che sự thật của lòng mình/ Chỉ là bờ đê nhiều khói và than, mà đầy liều lĩnh: Em đi được với hắn không?.
Trong vòng tay anh, bên bờ hồ đầy gió, môi em dệt môi anh. Cái hôn đầy vương sợi tóc mưa.
Em đi với Anh, em đi bên Anh. Không bởi thề bồi, mà từ trong sâu thẳm, em biết, suốt đời này, không ai có thể khiến em yêu hơn tình yêu dành cho Anh. Và Anh cũng vậy.
Vũ sinh ở thôn Chu Hưng, Hạ Hoà, Phú Thọ, lớn lên ở Hà Nội. Hiền sinh ra và có thơ ấu ở ấp Cầu Đen, đồi Cháy, Nhã Nam, Bắc Giang. Hai người cha làm văn nghệ đưa gia đình tản cư theo kháng chiến. Chính Hà Nội nuôi dưỡng niên thiếu, tuổi trẻ của đôi ta. "Thành phố nghèo mù mịt mưa rơi". Nơi xứ sở chữ S, thủ đô là ái thành của những lứa đôi những tình yêu lớn. TP cổ luôn trẻ, đáng yêu, vì ươm giữ các mối tình vượt "kích cỡ". Mù mịt mưa. Mù mịt nhớ. Mù mịt hôn. Mưa và đôi mắt Hiền ám ảnh Vũ. Họ đã là bạn đời mãi mãi của nhau, không cần H-V lồng cạnh đôi bồ câu chạm mỏ bên chữ Song Hỷ trên thiệp mời, dán phông đám cưới. H-V là chữ ghép của một tình yêu vô song. Tình yêu đích thực có ý nghĩa hơn "tổ ấm" ghép đôi bởi tờ giấy có dấu, ràng buộc nghĩa vụ mà nội tại không bao giờ có sự hoà điệu tinh thần, đắm say, hãnh diện về nhau.
Đời sống khó khăn, lạc hậu, thông tin thiếu hoặc phiến diện một chiều, con người trở nên khắt khe, nghiệt ngã với đồng loại. Những cái "tôi" không có cơ tồn tại. Thơ văn đa số là hợp xướng một bè. Thanh niên thủ đô quây quần nghe nhạc, nhảy disco trong nhà cũng bị dân phòng bắt về phường. Người ta thích chí săm soi, can thiệp nhau từ tóc tai, ăn mặc đến đời tư; hào hứng, mách lẻo, chì chiết, đổ tội, dễ nổi đoá.
Trong bối cảnh ấy, vẽ kiểu Nguyễn Thị Hiền và thơ như Lưu Quang Vũ, là cá biệt. Vẫn cứ sáng tạo độc lập theo lựa chọn của mình, dẫu điều đó làm họ bị thua thiệt. Người chân tài, phóng khoáng rồi cũng tìm thấy nhau, tìm được nhau. Nhóm những người bạn của Lưu Quang Vũ lại tụ hợp Đào Trọng Khánh (biên kịch, đạo diễn phim tài liệu) - tức thi sĩ Đào Nguyễn, Nguyễn Văn Lâm (Lâm râu), Hưng đói, lúc nào cũng ám ảnh cái đói, hễ gặp bạn là hỏi "ăn cơm chưa" rồi sẽ nấu hoặc mời ăn, dẫu ngày ấy gạo nước là vấn đề, miếng ăn là nỗi lo thường trực.
Quyền cá nhân, đồ dùng lẫn đời tư của con người đều bị "giám sát", lục xét hoặc bình phẩm, kiểm điểm. Nam nữ đứng gần nhau nơi công cộng là bị khó chịu, ôm hôn nhau bị khép vào đạo đức, thì mình Hiền sao có thể luôn Đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh/ Em đi tìm thế giới của riêng em/ Tình yêu và nỗi khổ của riêng em/ Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý.
Lưu Quang Vũ thường chờ Nguyễn Thị Hiền ở đầu ngõ Hạ Hồi trên đường Quang Trung hoặc lối rẽ phía đường Trần Hưng Đạo. Trung Thu, Hiền mua tặng Vũ ông tiến sĩ giấy và chú Tễu dân gian. Tuổi thanh niên, hai người vẫn giữ nét hồn nhiên của những đứa trẻ thích quà và các trò chơi cũ. Cô sinh viên bướng bỉnh, tư duy độc lập đã bị "hành" vì cá tính dám riêng, dám khác thầy. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Hà Nội, cô bị điều về Hiệp Hoà vẽ tranh cổ động, không khác gì "lao động công ích ngoài trời". Cô gái 40kg, cao 1m52 đạp xe về Bắc Giang, đi qua quê cha mẹ - làng Phù Lưu, chợ Giàu nơi sinh ra bao văn nhân nghệ sĩ, quê hương danh hoạ Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Trù, Hoàng Tích Linh..., Hiền đã vẽ một mình hơn 20 bức tranh cổ động suốt dọc đường huyện Hiệp Hoà trong 3 tháng. Đã một mình đạp xe về Hà Tĩnh. Nên khi hai ta cùng đạp xe qua cửa ô Cầu Giấy, tới xứ Đoài, chẳng thấy mệt, chỉ thấy đầy hào hứng. Sao chẳng dám đèo nhau nhỉ, cứ ngỡ "mạnh mẽ" lắm, rồi đôi ta cùng phải tránh miệng lưỡi thế gian. Quang Dũng (1921-1988) đã làm xứ Đoài thêm thú vị, mỹ lệ và quyến rũ, bởi "xứ Đoài mây trắng lắm", bởi "đôi mắt người Sơn Tây". Vì mây trắng xứ Đoài hay tâm hồn ta trong trắng mà Vũ ví Hiền Em em là mây trắng của đời tôi. Chúng mình về Ba Vì, qua phà miền đá ong đất đồi Nhớ mặt em gày sau lá mưa/ Lênh đênh bến nước Trung Hà.Vào chùa Phùng, chùa Trăm Gian cầu an lành, cầu được bên nhau. Lại nhớ Người hoạ sĩ nay giả điên mắt buồn ngơ ngác/ Mặc áo mưa đi lang thang/ Giấy vụn lông chim dính đầy tóc bạc/ Tranh đẹp chẳng ai mua/ Gác xép gió lùa/ Hoạ sĩ già nằm dưới pho tượng cổ. Thời các loại hình nghệ thuật phải dễ, xem dễ, nghe dễ hiểu, dễ nhớ, giáo cụ trực quan công nông binh làm chủ, thì Nghiêm- Liên - Sáng - Phái và nhiều danh hoạ phải uống café, ăn sáng chịu ở quán Lâm toét (60 phố Nguyễn Hữu Huân) hẳn là chua chát. Uống café, vạch nợ lên tường. Trả nợ bằng tranh. Tất cả nay đã thành người thiên cổ, duy còn lại Nguyễn Tư Nghiêm tuổi 90.
Lúc nào Vũ cũng thường trực yếu đuối cô đơn. Em đừng thương anh nữa/ Anh đi lủi thủi trên đường/ Đánh mất lòng tin/ Tìm về bếp lửa và Lòng anh buồn như một đoá ca dao/ Những tượng thần trên vách đổ lao đao.
Tượng thần đổ, có khi chỉ do gánh nặng sinh kế, miếng cơm manh áo. Hiền tìm việc cho Vũ cùng làm. Con người tài hoa ấy đâu chỉ viết, mà có vẽ. Yêu hội hoạ, yêu họa sĩ, thì vẽ được thôi. Vũ chép tranh P. Picasso, rồi vẽ tranh cổ động y tế, về Cẩm Phả, Phà Đen. Kiếm được tiền, dù ít thôi, Vũ chủ động hơn, bớt chán nản. Anh nhìn em đoán thầm trong đáy mắt/ Thấy nghẹn ngào khát vọng của đời anh.
Ngay lúc đang bên nhau, Vi cũng nhớ Anh, sợ lúc phải ra về. Sống cùng một TP, mà ngóng chờ nhau mỗi buổi. Cứ tiếc sao không đến với nhau sớm hơn. Bằng sự nhạy cảm và hiểu biết của người đang yêu, Vi có thể thấu sâu cảm giác tiếc nuối, lo sợ bất trắc chia xa của Vũ với Hiền, khi mùa Đông đến. Mùa Đông là mùa cưới. Các lứa đôi cưới để về chung tổ ấm. Còn Vũ, cuộc hôn nhân với Tố Uyên không đồng điệu tâm hồn. Tháng ngày khổ nhọc, mất phương hướng của Vũ không được chia sẻ. Họ ly thân, Tố Uyên có người tình khác, vẫn không chịu ly hôn. Mỗi bài thơ của Vũ như một lá thư đau đớn. Phút bàng hoàng nhớ hết mọi buồn đau/ Tôi khóc trên tay em lặng lẽ/ Tôi sợ lắm, mùa Đông sương buốt thế/ Em có là mãi mãi để tôi yêu.
Sự hiện diện của ta trong đời nhau là định mệnh được chờ đợi trong tiềm thức, mà Vũ vẫn ngỡ ngàng: Sớm mùa Đông tôi ra phố tìm em/ Vẫn không hiểu vì sao em đã đến/ Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc/ Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/ Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/ Em thuở ấy nơi nào em có biết/ Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau.
Mùa Đông đầu tiên có nhau, em ở châu Âu, Anh ở Hà Nội, ủ ấm nhau bằng khăn áo tặng, bằng hơi thở điện trường nối điện thoại. Chẳng có nghịch cảnh éo le nào ngăn cản được ViLi. Cốt là lòng ắp tin yêu, Anh luôn trong tâm trí.
Đang yêu nhau đã sợ mất nhau. Vũ và Hiền đã yêu nhau cuồng say "Đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn/ Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng/ Hiền ơi ngày ấy em đâu?".
Trước và sau Nguyễn Thị Hiền, không người phụ nữ nào được dành sự trân quý, đề cao như thế, từ tiếc nuối mong xuất hiện sớm trong đời đến đồng điệu cùng sáng tạo và dự cảm về cái chết, sau cái chết vẫn muốn bên nhau. Tình yêu của những năm đau xót và hy vọng ấy, tượng hình bằng Nguyễn Thị Hiền, bằng điên say tuổi trẻ, khát vọng sáng tạo, cộng cảm cao độ của tâm hồn và thể xác trong rung động thiêng liêng. Nhờ thế, Lưu Quang Vũ đã bùng nổ những bài tình day dứt, xuất sắc mà dư chấn của nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài.
Vi Thùy Linh
Còn tiếp...
(Tùy bút "Thời của đời yêu" là tác phẩm dài nhất trong tập văn xuôi đầu tay của nhà thơ Vi Thùy Linh - "ViLi tùy bút" - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2012).
(*) Thơ Vi Thuỳ Linh