Chừng 2 tháng sau bất ngờ gặp lại, tôi biết mình vừa yêu, từ tối ấy, trong căn phòng 96 phố Huế. Chuyện tình không thời gian Lưu Quang Vũ - Nguyễn Thị Hiền, Anh và Vi như vừa bắt đầu, đang nồng nàn, rung vang và còn mãi...
Cuộc gặp đầu tiên của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền vào một sáng Xuân, khi chị chủ trì cuộc họp cộng tác viên tại tạp chí Thanh Niên (TƯ Đoàn, 60 Bà Triệu, với tư cách là hoạ sĩ (HS) phụ trách mỹ thuật của tạp chí. Họ chào hỏi xã giao. Sau công việc tổ chức, chị về nhà lúc trưa muộn thì bố nhắc có Lưu Quang Vũ đến tìm. Tự nhủ: vừa gặp nhau, sao lại tìm ngay? Cuộc gặp bất ngờ tiếp theo 6 tháng sau, đánh dấu sự bắt đầu của mối tình suốt kiếp.
Ấp ủ, khát khao bao năm hay từ kiếp trước, để Anh yêu em ngay lần đầu gặp mặt. Định mệnh không thể cưỡng hay hạnh ngộ được mong chờ. Chúng ta đã biết tên nhau, tiếng nhau. Đỉnh cao của liên tài là yêu nhau. Và từ đây, sáng tạo nên những tác phẩm sáng giá.
Lưu Quang Vũ (1948-1988), tác giả đầu tiên và trẻ nhất của thế hệ chống Mỹ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2, 2001) cho các kịch bản sân khấu (KBSK). Kế tục cha, tác giả Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ có viết kịch bản chèo, nhưng kịch nói và thơ là thế mạnh của ông. "Thành phố tiếng cười, thành phố nước mắt", Lưu Quang Vũ "viết lại một bài thơ Hà Nội".
Ta còn viết, sẽ viết những bài thơ về Tình yêu lớn của mình. Bao nhiêu năm, logo hình hiệu của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN là khuôn mặt nửa khóc, nửa cười. Lưu Quang Vũ là một tác giả kịch nói hàng đầu VN thế kỷ XX, về năng lượng, chất lượng sáng tạo. Ông tái hiện, dựng hàng trăm những số phận, cuộc đời sống động trên vài chục mét vuông SK, cho các thành phần sáng tạo, nhất là các diễn viên - người thể hiện, chuyển tải trực tiếp các tác phẩm của ông tới khán giả, toả sáng trên "thánh đường" mà những con chiên ngoan đạo của nghệ thuật, bầy thiêu thân đam mê ánh đèn nguyện dấn thân. Nhưng Vũ không thể viết trọn hạnh phúc cho hai nhân vật chính Hiền và Vũ, vở chính kịch cuộc đời chúng ta vẫn sáng đèn trong thánh đường ký ức. Ở đó, Anh và em hoá thân tận cùng số phận của nhau. Người ta nói nhiều đến Lưu Quang Vũ ở vai trò là một tác giả SK tài danh. Còn tôi cho rằng, thơ là nơi Lưu Quang Vũ bộc lộ tâm hồn sâu đắm nhất. Thi tài của Lưu Quang Vũ, người sở hữu vương quốc cảm xúc và hình ảnh bộn bề hào hoa, truyền cảm mãnh liệt, đưa ông lên đội ngũ không nhiều những người thơ đạt tầm thi sĩ lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại, ở một đất nước tưởng lắm "người người làm thơ" mà ít thi tài, không nhiều thi sĩ đích thực. Tuyển thơ Lưu Quang Vũ xuất bản 22 năm sau khi tác giả qua đời, thơ ông đã, vẫn được tìm đọc, gây ấn tượng và nhắc nhớ là một trong các tác giả đáng đọc nhất với công chúng yêu thơ, biết thưởng thơ, nhất là với lớp độc giả đặc tuyển.
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tên một bài thơ được dùng làm nhan đề tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ (NXB Hội Nhà văn, 5/2010, tái bản tháng 9 cùng năm) gồm 129 bài thơ; các minh hoạ, tên chương do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thể hiện. Hai người từng có một cuốn sổ, thơ Vũ, minh họa Hiền. Và bị lấy mất.
Sinh thời và cả sau này, kịch là thể loại làm Lưu Quang Vũ nổi tiếng, có tiền bạc, những chuyến đi, ông đã nhiều lần về quê Đà Nẵng, vào Sài Gòn dự các kỳ hội diễn hay khi các đoàn dựng vở. Năm 1985, Lưu Quang Vũ xuất ngoại lần đầu tiên và duy nhất, dự Hội nghị SK các nước XHCN ở Moskva. Mười năm sau, Nguyễn Thị Hiền mới xuất ngoại lần đầu, tới Nhật Bản, xứ sở mặt trời mọc. Cuộc gặp Nguyễn Thị Hiền, Hè 1988 tại thành phố 4 mùa nắng, ngờ đâu là lần gặp cuối. Hôm ấy, Lưu Quang Vũ nhắc lại ý nguyện xuất bản tập thơ có sự kết hợp của hai người. Tâm nguyện ấy, tới Hè 2010 mới thành hiện thực.
Thơ bộc lộ vẻ đẹp, diện mạo tâm hồn, những dằn vặt, thất vọng, đau đớn, khát khao của Lưu thi sĩ toàn vẹn nhất. Thơ ông bộc vỡ sức sống, từ trường mạnh. Một số nhà phê bình đánh giá ông cả phương diện "Nhà thơ nhân dân", "ý thức công dân" qua các tác phẩm ông viết về chiến tranh.
Thực tế, thơ tình yêu của ông chất chứa nhiều cung bậc, chân dung cuộc sống. Ngay cả lúc bom đạn ác liệt nhất, nhịp tim yêu vẫn không ngừng xao động.
Tai nạn nghiệt ngã khó lý giải cướp đi mạng sống của cặp vợ chồng tài ba Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ vẫn là một ẩn số với những người hâm mộ, không tin vào các giải thích hiện trường. Rồi thời gian làm người ta chấp nhận sự thật phũ phàng và quen với một định đề ngợi ca. Người Việt Nam ta thường hay có thói đố kỵ, hiềm tỵ nhau khi sống, còn chết rồi thì có thể vì "nghĩa tử nghĩa tận" mà thể tất, rộng lượng, chỉ khen hoặc để yên những gì đã khen, phong. Mỗi giai tầng công chúng, đối tượng độc giả có tư duy thẩm mỹ, trình độ cảm thụ, kỹ năng tiếp nhận tác phẩm khác nhau. Tôi cho rằng, thơ Xuân Quỳnh được biết nhiều trong thế hệ thơ chống Mỹ, do nó dễ đọc, dễ hiểu và được phổ nhạc bởi Phan Huỳnh Điểu (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa Thu). Nhưng "chất" hơn, hiện đại hơn là thơ Ý Nhi, một nữ sĩ đáng kể nhất trong lứa các nữ thi sĩ cùng thế hệ. Tôi đã nói nhận định này, trong khán phòng TTVH Pháp L’Espace 24 Tràng Tiền, vào buổi tối toạ đàm về Xuân Quỳnh nhân dịp ra tuyển thơ Không bao giờ là cuối của bà, 28/2/2011: "Xuân Quỳnh không tự tin trong tình yêu. Bà chỉ tự tin ở mảng thơ thiếu nhi". Khán phòng 264 chỗ ngồi chật kín đã chú ý nghe rồi vỗ tay ào ạt thích thú. Họ chưa từng nghe ai nói khác đi về một "thần tượng" hay ngược với ngợi ca một nữ sĩ thường được gọi là "nhà thơ của Tình yêu". Trên sân khấu lúc đó, có 3 nhà phê bình văn học. Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ), Phạm Xuân Nguyên (MC), Chu Văn Sơn đều đồng tình với tôi. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ngồi bên cạnh tôi, tâm đắc.
Với tác phẩm này, tôi muốn viết những điều khác nếp quen đa số. Những bài thơ tình đỉnh cao của Lưu Quang Vũ, là các tác phẩm dành cho Nguyễn Thị Hiền. Cuộc đời tài hoa, đa tình của Lưu Quang Vũ có nhiều người đàn bà. Nhưng không ai, kể cả 2 người vợ (Tố Uyên, Xuân Quỳnh), những người đã sinh với ông một con trai, chiếm vị trí trong tinh thần ông đến thế. Người đàn ông đa cảm, tinh tế, yếu đuối ấy không thể và dường như chẳng bao giờ muốn giấu mình qua thơ. Mà làm sao giấu được, ai có thể bác bỏ được những câu chữ hình ảnh tràn ra từ Tình yêu lớn ấy.
Vi Thùy Linh
Còn tiếp...
(Tùy bút "Thời của đời yêu" là tác phẩm dài nhất trong tập văn xuôi đầu tay của nhà thơ Vi Thùy Linh - "ViLi tùy bút" - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2012).